|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sắp ‘chia tay’ mảng BOT, hơn 4.000 tỷ đồng nợ vay dài hạn của Tasco có đáng lo?

07:33 | 18/03/2017
Chia sẻ
Được xem là một trong những doanh nghiệp gạo cội trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, đặc biệt là BOT, thế nhưng Tasco lại quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó món nợ dài hạn hơn 4.000 tỷ đồng đang khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng thanh toán của Tasco.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vào chiều 17/3, lãnh đạo Công ty Cổ phần Tasco (Mã: HUT) cho hay, Taso tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng với các dự án BOT, tổng số vốn đầu tư các dự án đến nay lên đến 15.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của Tasco chiếm 20%, tương đương 3.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) mỗi năm ổn định khoảng 11,5%. Theo đánh giá của Tasco, mức lợi nhuận này không đột phá trong khi thời gian vốn chủ đầu tư ra kéo dài, Công ty nhận thấy nhiều cơ hội khác tốt hơn nên muốn tập trung khai thác những cơ hội mới.

Liên quan đến khoản nợ dài hạn hơn 4.000 tỷ đồng mà nhà đầu tư lo lắng, ông Trần Huy Hoàng – Giám đốc Tài chính của Tasco phân tích trong đó gồm 3.500 tỷ đồng nợ BOT, còn 500 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng cho các dự án BT.

Được biết, năm 2017, Tasco đưa hai dự án BOT mới vào thu phí là BOT QL10 Hải Phòng với tổng mức đầu tư 2.815 tỷ đồng và BOT Đông Hưng – Thái Bình với tổng mức đầu tư 436 tỷ đồng. Khi 6 trạm BOT hoạt động ổn định, Tasco sẽ có khoảng 800 - 900 tỷ đồng doanh thu mỗi năm với biên lợi nhuận ròng bình quân khoảng 11,5%.

Về dài hạn, sau khi hoàn tất hai dự án BOT mới là Hải Phòng và Đông Hưng – Thái Bình, Công ty sẽ không tiếp tục đầu tư BOT nữa, ông Huy cho hay. Với việc đầu tư hai dự án này, số nợ của Tasco sẽ lên khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty sẽ dần dần giảm số nợ BOT từ việc thu phí. Tất cả dự án BOT khi thực hiện trả nợ ngân hàng Công ty phải tính toán kỹ để không làm mất cân đối dòng tiền, ông Huy chia sẻ.

Một lợi thế khác mà Tasco có được là dự án BOT của Công ty không chịu lãi vay ngân hàng, thay vào đó Nhà nước sẽ gánh chịu khoản lãi vay này. Do đó, nếu lãi suất thị trường tăng hay giảm, Công ty không bị rủi ro phần nợ vay 3.500 tỷ đồng của các dự án BOT.

Hiện vốn chủ sở hữu của Tasco tham gia vào BOT khoảng 20% trên tổng số 15.000 tỷ đồng. Theo phương án tài chính đề ra, phần vốn chủ sở hữu sẽ được thu hồi sau khi trả hết nợ vay ngân hàng, đồng thời hệ số nợ Công ty hoàn toàn không chịu rủi ro khi lãi vay do Nhà nước trả, bà Trần Thị Thanh Tân – Thành viên HĐQT Tasco khẳng định.

Lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận, các dự án BOT mang lại mức sinh lời trên vốn chủ khoảng 11%, đây là mức không đột phát nhưng được duy trì ổn định. Do đó, chủ trương của Công ty sẽ dừng các dự án BOT. Nếu có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì Tasco sẵn sàng chuyển nhượng, thu hồi vốn chủ đã đầu tư BOT để chuyển sang lĩnh vực khác như y tế, công nghệ.

sap chia tay mang bot hon 4000 ty dong no vay dai han cua tasco co dang lo
Tasco gặp mặt nhà đầu tư chiều 17/3. (Ảnh: Tiến Vũ).

Một vấn đề khác liên quan đến nợ cũng được cổ đông khá quan tâm là việc công ty thực hiện hai lần mua lại trái phiếu chuyển đổi (lần 1 vào quý II/2016 với khoảng 104 tỷ đồng, lần 2 là tháng 10/2016 với gần 51 tỷ đồng). Lãnh đạo Tasco lý giải, tại thời điểm phát hành, Công ty có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án nhưng lúc đó chưa đủ điều kiện để phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.

Việc mua lại lần này là mặt từ ngữ, về bản chất là trả nợ trước hạn trái phiếu để giảm lãi. Nguyên do là lãi suất trái phiếu phát hành cao hơn lãi suất ngân hàng, do đó, Công ty mua lại để trả nợ trước hạn nhằm giảm áp lực trả lãi trái phiếu.

Trao đổi về tình hình kinh doanh, cổ đông quan quan tâm việc gần đây với việc Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Viettel có ý định tham gia cung cấp dịch vụ trạm thu phí không dừng liệu sẽ ảnh hưởng đến Tasco.

Giám đốc Tài chính Trần Huy Hoàng cho hay, trên thực tế trạm thu phí không dừng gặp rất nhiều cạnh tranh. Tasco triển khai dự án này từ năm 2015, Viettel khi đó cũng muốn tham gia nhưng Tasco có lợi thế về thâm niên trong việc thu phí hạ tầng nên được Bộ Giao thông Vận tải giao cho 28 trạm khai thác. Đồng thời để tránh độc quyền, Bộ cũng giao cho các doanh nghiệp tự đàm phán để thực hiện thu phí. Theo đó, lãnh đạo Tasco không tỏ ra lo ngại trước việc có thêm nhà đầu tư tham gia lĩnh vực trạm thu phí không dừng.

Ông Hoàng cũng nói thêm, với 28 trạm thu phí, Tasco là nhà đầu tư chính, trong khi Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (Mã: ITD) là nhà thầu cung cấp thiết bị, hoàn toàn không phải đơn vị hợp tác hay cùng đồng hành khai thác trạm thu phí. Hiện Tasco đang làm việc với lãnh đạo TP HCM và Hà Nội để triển khai thu phí xe bus nội thành và tàu điện trên cao.

Bất động sản đóng góp chính vào doanh thu 2017

Đối với lĩnh vực bất động sản, được xác định là mảng đóng góp chính vào doanh thu trong hai năm tới. Phân khúc tập trung ở dòng sản phẩm trung cấp, một số đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty hiện tại như Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát…

Tham gia lĩnh vực này, lãnh đạo Tasco đánh giá khá thận trọng vì liên quan đến tính chu kỳ, kinh tế vĩ mô ổn định hay không. Công ty cũng đến Đà Nẵng để tìm bất động sản cho thuê, tuy nhiên kinh nghiệm còn hạn chế nên hiện vẫn trong quá trình nghiên cứu. Trước mắt Tasco tập trung ở thị trường Hà Nội, ông Hoàng cho hay.

Hiện Tasco đang đầu tư một số dự án như Foresa villa Xuân Phương với giá bán bình quân 69 triệu đồng/m2, đã bàn giao 400 căn và dự kiến xong trong quý II/2017. Dự án South Building Pháp Vân có giá từ 21 đến 23 triệu đồng/m2, đã bán được khoảng 110/140 căn; đến 30/4 này dự án sẽ cất nóc và tháng 12/2017 bàn giao nhà. Dự án Xuân Phương Residence cũng đã bàn giao gần hết… Đây là những dự án ghi đóng góp phần lớn vào doanh thu 2017.

Theo kế hoạch năm 2017, doanh thu Tasco đạt trên 3.330 tỷ đồng, trong đó từ bất động sản là 2.300 tỷ đồng, các trạm thu phí BOT 632 tỷ đồng, y tế và các công trình khác 400 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, chiếm phần lớn là từ bất động sản với 321 tỷ đồng, kế đến trạm thu phí 95 tỷ đồng.

Tiến Vũ