|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sắp chào sàn HOSE, 'trùm thầu' Cienco4 có gì đáng chú ý?

22:25 | 26/09/2018
Chia sẻ
Năm 2017, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Cienco4 đều giảm khá mạnh so với năm trước do các dự án BOT giao thông gặp nhiều khó khăn. Nợ vay thời điểm cuối quý II/2018 gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu.

Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 – CTCP (Cienco4) thành lập ngày 27/12/1962, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xây dựng Công tình Giao thông 4.

Ngày 2/6/2014, Cienco4 chính thức chuyển sang hoạt động cổ phần với vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó Bộ Giao thông Vận tải sở hữu 35% cổ phần, cổ đông bên ngoài 65%. Sau 3 tháng chuyển sang CTCP, Bộ Giao thông vận tải đã thoái hết vốn.

Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Cienco4 đã thông qua việc thực hiện lưu ký cổ phiếu của công ty tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vào tháng 10. Thời gian dự kiến niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vào quý IV năm nay.

Phải dừng các dự án BOT không khả thi

Lâu nay Cienco4 vẫn luôn được đánh giá là “trùm thầu” số 1 trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Doanh nghiệp này có mặt tại hầu hết các dự án lớn như: đường 18, Láng - Hòa Lạc, đường 14, đường 51 và Quốc lộ 5; 19 cầu trên Quốc lộ 1A đoàn thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Quốc lộ 1A đoàn Vinh - Đông Hà, Đông Hà - Huế, Cầu Tân Đệ, dự án R5 Quốc lộ 10 - Hải Phòng , cầu Bến Lức, cầu Đà Rằng, cầu Vĩnh Tuy…

Cienco 4 còn hợp tác với Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đầu tư xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).

Tính đến thời điểm hiện tại, Cienco4 có 16 dự án đã ký kết và đang triển khai. Tổng mức đầu tư cho 16 dự án và hạng mục đầu tư hơn 11.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của Tập đoàn theo hình thức PPP (BOT, BT…) là 955 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án BOT về hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, thủ tục quyết toán, các quy định chưa rõ ràng, thống nhất giữa các ban ngành của Chính phủ.

Do đó, Hội đồng quản trị Cienco4 đã quyết định rút hoặc dừng triển khai các dự án không khả thi hoặc chưa phù hợp với tình hình hiện tại như các dự án đầu tư cảng biển, mà tập trung hoàn thiện thủ tục quyết toán các dự án BOT về giao thông như: Thái Nguyên - Chợ Mới (đã được chấp thuận đưa vào khai thác thu phí tháng 1/2018); Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát; Dự án Nam Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh; Dự án Quốc lộ 38 từ cầu Yên Lệnh đến ngã tư Vực Vòng…, hoàn thành các thủ tục pháp lý cho Dự án Cầu Hiếu 2 theo hợp đồng BT và các khu đất đô thị tại thị xã Thái Hòa (Nghệ An).

Bên cạnh đó, Cienco4 đang tập trung triển khai các dự án bất động sản như: Khu du lịch Green Tea Islands tại Thanh Chương - Nghệ An, Dự án Khu thương mại, nhà ở và chung cư cao tầng 61 Nguyễn Trường Tộ - Thành phố Vinh.

Dự án Cao ốc văn phòng 180 Minh Khai - TP HCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 12/2017. Dự án Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An hợp tác với Tập đoàn Hemaraij - Thái Lan đã khởi công vào hồi tháng 3.

sap chao san hose trum thau cienco 4 co gi dang chu y
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới của Cienco 4.

“Tướng” mới lại là người cũ

Sau khi hai nhà đầu tư chiến lược là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và một ngân hàng thoái vốn vào cuối 2016, cơ cấu sở hữu của Cienco4 bất ngờ đón xuất hiện của hai cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Trương Thị Tâm.

Trong đó, ông Tuấn sở hữu 10,4 triệu cổ phần, tương ứng với 14,5% vốn điều lệ; bà Tâm nắm 9,6 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 13,32%.

Hiện tại, ông Nguyễn Văn Tuấn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Cienco 4 còn bà Trương Thị Tâm làm Phó chủ tịch HĐQT.

Điều đáng chú là bà Tâm chính là vợ ông Lê Ngọc Hoa - người nhiều năm đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc Cienco 4 và có những đóng góp quan trọng trong việc chuyển đổi Cienco 4 từ một doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Tính đến ngày 30/6/2016, Cienco4 có 4 cổ đông lớn bao gồm CTCP Tập đoàn VPA (27%), CTCP Xây dựng Dũng Hưng (22%), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Dịch vụ Tổng hợp Nhật Minh (14%) và ông Nguyễn Tuấn Huỳnh và người có liên quan (9%).

Trong đó, Tập đoàn VPA với vốn điều lệ 280 tỷ đồng có hai cổ đông chi phối là bà Trương Thị Tâm sở hữu 46,2% vốn và con trai là ông Lê Ngọc Vinh nắm 38,2%.

Nợ vay cuối tháng 6/2018 gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu

Sau khi cổ phần hóa năm 2014, doanh thu của Cienco4 trong giai đoạn 2015 - 2017 có xu hướng giảm dần. Trong đó, năm 2017 doanh thu từ xây lắp cầu đường, thương mại vật tư và dịch vụ khác chiếm khoảng 44,9%; các dự án đầu tư 55,1%.

Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế không đều trong 3 năm qua. Mặc dù trong năm 2016, doanh thu của công ty giảm 22% nhưng do giá vốn giảm sâu hơn nên lãi sau thuế đạt 171 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2015.

Bước sang 2017, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Cienco4 đều giảm khá mạnh so với năm trước do các dự án BOT giao thông gặp rất nhiều khó khăn.

sap chao san hose trum thau cienco 4 co gi dang chu y
Nguồn: Báo cáo tài chính của Cienco 4, đơn vị: Tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2018 của Cienco4, doanh thu thuần đạt 1.176 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng, giảm nhẹ.

Tuy công ty có lợi nhuận dương trong nửa đầu năm nay nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 308 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 173,3 tỷ đồng.

Tính tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của Cienco4 là 7.409 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả 6.289 tỷ đồng cao gấp 6 lần vốn chủ sở hữu.

Trong đó, nợ vay ở mức 4.063 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu. Khối nợ vay này bao gồm 1.582 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.481 tỷ đồng vay dài hạn.

Các khoản phải thu khác trị giá khoảng 320 tỷ đồng, trong đó, phải thu đối với CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc là 175 tỷ đồng.

sap chao san hose trum thau cienco 4 co gi dang chu y
Nguồn: Báo cáo tài chính của Cienco4, đơn vị: Tỷ đồng.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Anh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.