|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sản xuất toàn cầu vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi mạnh mẽ

18:46 | 05/01/2021
Chia sẻ
Bất chấp đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sản lượng ở các nhà máy tại châu Á và châu Âu đã tăng khi năm 2020 kết thúc.

Trái ngược với các ngành dịch vụ bị thiệt hại bởi các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 gây ra, ngành sản xuất ở Mỹ, châu Âu và châu Á đã phục hồi.

Mặc dù các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang chứng kiến sự gia tăng mạnh của các ca nhiễm COVID-19 mới, sản lượng ở các nhà máy tại châu Á và châu Âu đã tăng khi năm 2020 kết thúc, do thương mại tiếp tục được hồi sinh.

Khả năng phục hồi nhanh của khu vực sản xuất toàn cầu trái ngược hẳn với sự yếu kém của các doanh nghiệp dịch vụ, vốn đã phải gánh chịu những thiệt hại do người tiêu dùng cố gắng giảm nguy cơ bị lây nhiễm cùng với các lệnh hạn chế từ chính phủ.

Ngành sản xuất toàn cầu vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi mạnh mẽ  - Ảnh 1.

Sản lượng ở các nhà máy tại châu Á và châu Âu đã tăng khi năm 2020 kết thúc. (Ảnh: Autoblog).

Các nhà kinh tế dự đoán sự trái ngược giữa ngành sản xuất và dịch vụ sẽ là một đặc điểm của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2021 cho đến khi vắc xin COVID-19 được phân phối trên quy mô đủ lớn để đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng.

Cuộc khảo sát với các giám đốc mua hàng tại các nhà máy trên khắp châu Á và châu Âu công bố hôm 4/1 cho thấy sự gia tăng mạnh trong hoạt động sản xuất của tháng 12/2020, trong đó ghi nhận ngành sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) có tháng đạt cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Kết quả khảo sát tương tự được tiến hành ở Mỹ sắp được công bố và dự kiến cũng gia tăng mạnh mẽ.

Trong khi châu Âu chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19, khiến chính phủ có khả năng sẽ mở rộng các lệnh hạn chế ở hiện tại, các nhà sản xuất của họ vẫn tiếp tục báo cáo sự phục hồi sau khi sản lượng sụt giảm mạnh do làn sóng COVID-19 đầu tiên và các lệnh phong toả gây ra.

IHS Markit cho biết chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đối với lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng euro đã tăng lên 55,2 trong tháng 12/2020, từ mức 53,8 trong tháng 11/2020, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Chỉ số trên 50,0 điểm cho thấy sự tăng trưởng so với tháng trước, dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm.

"Hiệu suất vững chắc của ngành sản xuất trong bối cảnh các hạn chế được thắt chặt do COVID-19 vào những tháng cuối năm 2020 thể hiện một sự tương phản lớn với các đợt đóng cửa hồi đầu năm. Các nhà máy đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế khi lĩnh vực dịch vụ gặp nhiều khó khăn.", Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của IHS Markit cho biết.

Sự hồi sinh sản xuất ở châu Âu được dẫn dắt bởi Đức, đất nước đang có nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ. Chỉ số PMI tháng 12/2020 của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm.

Một nhà xuất khẩu hàng sản xuất hàng đầu khác là Nhật Bản đã chứng kiến chỉ số PMI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Trong khi đó, các nhà máy của Hàn Quốc báo cáo hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ tương đương tháng 11/2020.

Ngược lại, chỉ số PMI sản xuất của Caixin Trung Quốc giảm nhẹ, điều này phần nào phản ánh sự hạ nhiệt của nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này. Trong thời gian đại dịch, đồ bảo hộ và các sản phẩm công nghệ gia đình đóng vai trò là trụ cột cho hoạt động thương mại nước ngoài của Trung Quốc, giúp nước này giành được thị phần toàn cầu.

Bất chấp sự phục hồi kéo dài, các cuộc khảo sát PMI chỉ ra rằng nhiều nhà máy trên thế giới vẫn tiếp tục cắt giảm biên chế. Điều này cho thấy nhiều người vẫn thận trọng về triển vọng vào năm 2021, ngay cả khi việc triển khai vắc xin đang được tiến hành.

Như Ngọc