|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản phẩm từ vải denim 'nổi lên' với cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và khối CPTPP

10:36 | 10/06/2019
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, denim là chuỗi cung ứng khá hoàn chỉnh vì Việt Nam vừa sản xuất ra được sợi coton, vừa có nhà máy sản xuất vải vừa có nhà máy may.

Việt Nam xuất khẩu sản phẩm denim sang Mỹ tăng hơn 40%

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam 2018 đạt xấp xỉ 36 tỉ USD, cao hơn 16% so với 2017 và đang tiếp tục tăng trong năm 2019. 

Trong đó, Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành may mặc Việt Nam, chiếm 53% tổng xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam và khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất. 

Ông Sandeep Agarwal, Giám đốc Balaji Enterprise, CEO Denimdjeans.com, cho biết hiện các sản phẩm jeans từ vải denim đóng vai trò khá lớn trong công nghiệp xuất khẩu của toàn cầu với giá trị 80 tỉ USD. Trong năm 2018, thị trường Mỹ đã nhập khẩu hơn 500 triệu sản phẩm denim; trong đó, nhập từ Việt Nam 24 triệu sản phẩm, tăng 43% so với năm trước đó.

Sản phẩm từ vải denim nổi lên với cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và khối CPTPP - Ảnh 1.

Năm 2018, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam 24 triệu sản phẩm, tăng 43% so với năm 2017.

Thông tin về ngành denim của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Chuỗi cung ứng denim đang có đóng góp tích cực cho chủ trương xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Nhiều nhà máy sản xuất vải và may thành phẩm denim đã được ứng dụng các công nghệ hiện đại để tiết kiệm nguồn nước và hạn chế các tác động của hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất đối với môi trường và người lao động".

Cũng theo bà Mai, đây là mặt hàng có chuỗi sản xuất khép kín duy nhất trong cơ cấu sản xuất các sản phẩm của ngành hiện nay, được các doanh nghiệp đầu tư từ sợi để sản xuất ra đến vải thành phẩm, nhưng sản phẩm vải denim chỉ chiếm 10 - 20% trong cơ cấu chủng loại dệt may xuất khẩu của Việt Nam, do tính chất khá chuyên biệt của nó.

Tuy nhiên, triển vọng phát triển của chuỗi cung ứng này là khá khả quan vì đây là chuỗi cung ứng đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" của Hiệp định CPTPP, do vậy sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin.

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối chuỗi cung ứng denim 

Ngành denim và jeans đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, kéo theo đó là nhu cầu chủ động nguyên phụ liệu của chính các doanh nghiệp. Do đó, việc các Hội chợ triển lãm về denim và jeans được đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam cũng là điều kiện tất yếu của sự phát triển này.

Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết từ ngày 12 - 13/6, tại TP HCM sẽ diễn ra Triển lãm Denimsandjeans Việt Nam lần thứ 4, qui tụ hơn 40 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vải denim, sản xuất phụ kiện đến từ Việt Nam và hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

Triển lãm hướng đến sản xuất và phát triển bền vững với những sản phẩm thân thiện với môi trường, dự kiến thu hút 1.500 nhà mua hàng đến từ 300 công ty trên toàn thế giới quan tâm. Đây được xem là cơ hội để kết nối chuỗi cung ứng về denim tại thị trường Việt Nam và khẳng định vị trí của vải denim trong xuất khẩu may mặc.

Ông Sandeep Agarwa, đại diện đơn vị tổ chức chính sự kiện, cho biết: "Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực ASEAN mà Denimsandjeans tổ chức triển lãm. Qua 3 lần triển lãm trước, hy vọng các công ty Việt Nam sẽ có cơ hội dược hợp tác kinh doanh với nhiều công ty nước ngoài trong lĩnh vực này. Đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU".

Sản phẩm từ vải denim nổi lên với cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và khối CPTPP - Ảnh 2.

Hiệp hội dệt may Việt Nam giới thiệu về triển lãm Denimsandjeans Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: NH.

Theo Ban tổ chức, việc xanh hóa ngành dệt may nói chung trong quy trình sản xuất hiện đang là thách thức với hầu hết các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam trước các tiêu chuẩn phát triển bền vững, sản phẩm sạch, xanh thân thiên môi trường khi hiệu lực của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia yêu cầu, đòi hỏi.

Để có chính sách thu hút đầu tư, cũng như phát triển nguồn lực nhằm giúp ngành công nghiệp thời trang giảm bớt ô nhiễm, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường cũng đang là vấn đề nan giải mà ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt và cần giải quyết.

Do đó, ngoài việc trưng bày hàng hóa, kết nối doanh nghiệp, Ban tổ chức cho biết triển lãm Denimsandjeans còn có 4 hội thảo chuyên đề chia sẻ các thông tin về sản xuất bền vững, các xu hướng bán lẻ... của ngành denim.

Ngoài ra triển lãm sẽ giới thiệu các xu hướng denim mới và các thành tựu mới nhất trong ngành công nghiệp này trong việc bảo vệ môi trường, ông Sandeep Agarwa nói.

Triển lãm Denimsandjeans năm 2019 dự kiến sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đến từ 70 quốc gia trên thế giới. Dự kiến sẽ có khoảng 300 nhà mua hàng sẽ đến tìm nhà cung cấp tại triển lãm này.

Như Huỳnh