|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mảng nhuộm: Nỗi buồn của ngành dệt may

15:54 | 04/05/2019
Chia sẻ
Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu như sợi và ngành nhuộm vẫn chưa phát triển. Tuy nhiên, việc đầu tư vào mảng này vẫn còn đang mắc phải trở ngại lớn về chính sách và nguồn nhân lực.

Bế tắc không thể thu hút đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh hiện nay CPTPP được coi là động lực chính của ngành dệt may. Tuy nhiên, để đủ điều kiện hưởng thuế ưu đãi giảm từ 17,5% xuống còn 0% hàng dệt may Việt Nam phải đạt quy tắc xuất xứ. 

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu như sợi và ngành nhuộm vẫn chưa phát triển. Do đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu từ các nước không nằm trong khối CPTPP do bản thân các nước trong khối cũng chưa thể cung ứng đủ nguồn nguyên liệu.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có đã có chuỗi cung ứng từ sợi, may, thiết kế thâm chí có cả trung tâm phân phối. Khi Việt Nam mở cửa, các nhà đầu tư nước ngoài thấy cơ hội do giá nhân công, giá điện rẻ và họ đưa phân khúc may, gia công sau đó là phân khúc sợi. 

Mảng nhuộm: Nỗi buồn của ngành dệt may - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nguyên liệu để sản xuất sợi có thể nhập khẩu từ nước ngoài với thuế ưu đãi bằng 0%. Sau đó vải được dệt ở nước ngoài nhưng lại được may ở Việt Nam vì ở bên nước ngoài họ có đủ cơ sở vật chất, công nghệ xử lí nước thải cho việc nhuộm.

Ông Tuấn cho rằng CPTPP chính là cơ hội tốt để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đưa mảng nhuộm về Việt Nam do có các chính sách ưu đãi về thuế quan. 

Thế nhưng trên thực tế, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là chính sách và "cánh cửa" ở các địa phương có mở rộng cho các doanh nghiệp nhuộm hay không.

"Vấn đề chính là Chính phủ có chính sách tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mảng nhuộm ở Việt Nam hay không? Các địa phương sẵn sàng mở cửa cho doanh nghiệp hay không vì hiện này đa số địa phương lo ngại nhuộm sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Tình đến thời điểm này chỉ có 4 - 5 địa phương chấp thuận cho hoạt động nhuộm như Quảng Ninh, Nam Định, Sóc Trăng...", ông Tuấn cho biết.

Cả nước có 63 tỉnh thành, thử hỏi có được bao nhiêu tỉnh đồng ý mở cửa cho doanh nghiệp nhuộm? Trong khi đó, đây được xem là trái tim của ngành dệt may.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam

Hiện nay Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp nhưng hầu hết không có khu vực nào đáp ứng cho nhuộm. Do đó, ông Tuấn cho rằng cần có chính sách cụ thể, có khu công nghiệp đáp ứng cho nhuộm, thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn đối với nhóm doanh nghiệp trong nước, ông Tuấn cho biết các doanh nghiệp này vẫn còn đang rất nhỏ, thiếu vốn và khó làm chủ trên sân nhà. Trong khi đó, những khó khăn về nguồn nhân lực vẫn chưa được giải quyết.

"Đối với ngành dệt may chỉ cần 3 - 5 tháng để đào tạo nhân sự, thế nhưng ngành nhuộm lại yêu cầu kĩ sư và cần nhiều năm mới đào tạo được. Trên thực tế, từ bao năm nay chúng ta không hề đào tạo kĩ sư cho ngành nhuộm", ông Tuấn chia sẻ.

Không thể mãi dừng lại ở gia công

Theo ông Tuấn nhiệm vụ sống còn là phải tăng giá trị, phải có vải, chứ không thể mãi dừng lại ở bước gia công. Nếu không có CPTPP thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không thể vào Việt Nam vì quy mô dệt may của Trung Quốc quá lớn. Nhưng hiệp định này, vừa là thách thức, vừa là cơ hội.

Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Bởi hiện nay, ngành dệt may tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm 70%. Ngành dệt may Việt Nam có tầm quan trọng dặc biệt, khhông chỉ tạo công việc làm, thúc đẩy xuất khẩu lớn, tạo ra nhiều doanh nhân.

"Chúng ta cần quy hoạch cụ thể, cần đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Chúng ta cũng cần thống nhất từ Trung Uơng tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn. Bộ Công thương cần hỗ trợ kéo sợi, nhà phát triển khu công nghiệp đầu tư nước thải....", ông Tuấn cho biết.

Ông Vũ Đức Giang đề xuất cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm. Quốc hội nên xem xét lại luật hiệp hội bởi đây là doanh nghiệp chứ không phải tổ chức. Liên quan đến vai trò của Chính phủ trong chiến lược phát triển nguồn lực, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm vì chúng ta đang rất thiếu.

Đức Quỳnh