'Sản phẩm OCOP Tiềm năng và phát triển'
Hội chợ lần này là 1 trong 3 hội chợ cấp vùng (Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc) thực hiện trong năm nay. Hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm OCOP của các địa phương. Qua đó, xây dựng mối liên kết giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch làng nghề. Thông qua hội chợ, các địa phương đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm OCOP giữa các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương. Nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó các địa phương, các tổ chức kinh tế sẽ có những phương án phù hợp trong việc cải tiến mẫu mã, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Đồng thời, định hướng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ sản xuất mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Các mặt hàng trái cây đặc sản của khu vực ĐBSCL được giới thiệu tại hội chợ
Tham gia hội chợ có khoảng 350 gian hàng của 25 tỉnh, thành phố, trong đó có 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm trưng bày trong hội chợ là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương thuộc nhóm sản phẩm OCOP, gồm: Thực phẩm, ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất, trang trí, lưu niệm và dịch vụ du lịch nông thôn… Trong đó, các mặt hàng trái cây đặc sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được giới thiệu và quảng bá rộng rãi. Trong khuôn khổ hội chợ diễn ra các Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Bến Tre và các tỉnh, thành; Hội thảo “Xây dựng và phát triển thương hiệu”; Hội thảo khởi nghiệp “Từ tài nguyên bản địa đến sản phẩm OCOP – Con đường chinh phục thị trường”; Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn”.
Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh điểm của cả nước triển khai Chương trình OCOP. Hiện nay, Bến Tre đã được Trung ương phê duyệt Đề án OCOP và bộ tiêu chí đánh giá. Trong đó, tỉnh đã xác định 265 sản phẩm OCOP của 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, du lịch, thảo dược, lưu niệm, nội thất, các sản phẩm nông nghiệp khác... Từ thành công của các địa phương triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, Bến Tre đã xây dựng và phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030. Bến Tre cũng đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 tập trung khoảng 80 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP; 100% xã trên địa bàn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và toàn tỉnh có từ 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Đáng chú ý, kết quả khảo sát một số sản phẩm tiêu biểu tại 9 huyện, thành phố cho thấy, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, thế mạnh riêng.
Trước đó, từ ngày 5 đến ngày 9/6/2019, tỉnh Bến Tre đã tổ chức Chương trình hoạt động của Lễ hội Cây – Trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 18 – 2019 với chủ đề “Cây trái ngon an toàn, Du lịch thân thiện” tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Chợ Lách; Khu làng nghề và dọc tuyến đường Quốc lộ 57 các xã.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là chương trình giúp phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện cuộc sống cho người nông dân. Nhờ chương trình OCOP, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị nước ngoài, có mặt trên các chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng.