TikTok Shop - Mỏ kim cương của SMB: Khô bò Ba Thức bán một tấn rưỡi/ngày, CM Foods tiêu thụ một triệu chân gà/tháng
“Ngày trước, doanh thu mỗi ngày chỉ đạt vài triệu đồng là cao rồi. Nhưng khi triển khai trên các nền tảng TMĐT, có những ngày cao điểm, chúng tôi thu về một tỷ đồng/ngày, tương đương với một tấn rưỡi khô bò được bán ra." - đây là tiết lộ từ anh Phan Minh Thức, chủ sở hữu thương hiệu Khô bò Ba Thức, về thành công không tưởng của món đặc sản đất Tây Nguyên đầy nắng gió này, sau gần một năm xuất hiện trên TikTok Shop.
Công thức bán một tấn rưỡi bò khô/ngày
Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Minh Thức, chủ thương hiệu Khô bò Ba Thức nói rằng hiệu quả từ kênh bán hàng TikTok Shop là rất lớn. Anh Thức chia sẻ hai vợ chồng anh từng lăn lộn bán đủ mọi thứ, từ mỹ phẩm cho tới hải sản, đồ khô. Thời điểm hậu đại dịch, việc buôn bán trở nên khó khăn. Ngành hàng mỹ phẩm không còn thuận lợi, trong khi các loại hải sản khô thì giá trị cao, tốc độ tăng trưởng doanh số chậm.
Trong bối cảnh đó, anh Thức cùng vợ là chị Trần Phương Dung quyết định chuyển hướng kinh doanh sản phẩm khô bò do chính cơ sở của nhà vợ sản xuất tại Gia Lai. Ngoài các kênh tiếp thị truyền thống, hai vợ chồng cũng xây thêm kênh TikTok để quảng bá cho sản phẩm.
Sau một thời gian tập trung xây dựng kênh TikTok Ba Thức Foods, vợ chồng anh Thức bất ngờ thu được kết quả không tưởng. Theo chủ thương hiệu này, trái với con số ảm đảm trước đó, việc bán hàng trên TikTok giúp khô bò Ba Thức tăng trưởng doanh số từ 300-500%, thậm chí là 1.000%.
Anh Thức cho biết với một cơ sở sản xuất nhỏ thì chỉ cần nội dung của kênh lên Xu hướng TikTok, lượng đơn hàng sẽ "nổ" về rất lớn.
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị trước cho từng chiến dịch để khi nội dung lọt Xu hướng, lượng đơn cao thì sẽ có đủ đơn hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu không có kế hoạch vận hành, chúng tôi có thể bị vỡ trận và phải chịu hình phạt từ nền tảng, ví dụ như trừ điểm, giới hạn đơn hàng…”, anh Thức cho biết.
Từng trải nghiệm bán hàng trên một số nền tảng như Facebook Reels, Shopee, anh Thức nhận xét TikTok Shop tuy có tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng thấp hơn nhưng bù lại, lượng free traffic (lượt xem không cần trả phí) lại rất dồi dào, hiệu ứng tiếp thị tốt hơn.
Theo đó, nhà bán hàng này cho rằng tỷ lệ chuyển đổi của Shopee cao hơn vì người dùng của sàn TMĐT này là nhóm đối tượng có mục đích mua rõ ràng, nếu cần gì thì họ sẽ tìm trực tiếp trên Shopee. Trong khi đó, TikTok Shop được đánh giá cao ở khả năng "đánh" vào cảm xúc của người dùng - điều rất phù hợp với các đơn vị kinh doanh ngành hàng thực phẩm như Ba Thức Foods.
“Tỷ lệ chuyển đổi có thể thấp hơn nhưng khả năng đánh vào cảm xúc của người xem từ video, livestream của TikTok Shop rất là tốt, các nội dung về ẩm thực dễ thu hút người xem, hình ảnh đồ ăn có thể nhanh chóng chạm tới trái tim của họ và khiến người dùng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng”, anh Thức chia sẻ. Kênh TikTok của Ba Thức Foods hiện có hơn 430 nghìn người theo dõi và hơn 2,7 triệu lượt thích.
Từ một cơ sở nhỏ có 3-5 người, hiện tại Khô bò Ba Thức đã phát triển đội ngũ lên tới 30 người, có một văn phòng tại TP HCM. Trong tương lai, anh Thức muốn triển khai affiliate (bán hàng liên kết) thông qua các nhà sáng tạo nhiều hơn, hỗ trợ Khô bò Ba Thức mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Ba Thức Foods có slogan là "Nông Sản Lên TOP - Chất Lượng OCOP, Vì nông dân - chiến đấu" - thể hiện quyết tâm đạt chứng chỉ OCOP của đơn vị kinh doanh đến từ mảnh đất cao nguyên.
Tại sự kiện TikTok Southeast Asia Impact Forum ở Jakarta (Indonesia), ông Nguyễn Lâm Thanh (Đại diện TikTok Việt Nam) đã cùng ông Đoàn Trần Nhân - Trưởng phòng hỗ trợ phát triển OCOP và dịch vụ nông thôn - Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kí kết hợp tác.
Theo đó, nền tảng TikTok cam kết hỗ trợ 2,8 triệu USD phục vụ phát triển, nâng cao năng lực số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc sản vùng miền, các sản phẩm làng nghề truyền thống và đặc biệt là chương trình Mỗi Xã Một Sản Phẩm (OCOP) tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác này, TikTok sẽ cho ra mắt chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP, được phát sóng trực tiếp (livestream) trên TikTok Shop hàng tuần, sự kiện sẽ là cơ hội quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm - đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.
Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.
TikTok Shop: 'Miền đất hứa' cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB)
Là một trong hai nhà bán hàng được TikTok vinh danh, bà chủ Nguyễn Thị Hồng Trâm của thương hiệu CM Foods rất hào hứng khi nhắc tới hành trình thành lập doanh nghiệp. Câu chuyện của CM Foods bắt đầu từ đầu năm 2022 - thời điểm chị Hồng Trâm nhận ra tiềm năng của sản phẩm đồ ăn vặt, đặc biệt là chân gà cay, một thứ sản phẩm được ưa thích nhưng lại có nhiều lo ngại do đa phần sản phẩm này đến từ Trung Quốc.
Để giải quyết niềm đau đó của khách hàng, chị Hồng Trâm đã quyết định bắt tay vào sản xuất sản phẩm đồ ăn vặt, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sức khỏe tại thị trường Việt Nam. Bà chủ CM Foods bắt tay vào nghiên cứu công thức làm chân gà cay đóng gói, thiết lập nhà máy tại Chương Mỹ, Hà Nội và tiến hành sản xuất.
Bản thân nhà sáng lập Hồng Trâm từng đảm nhiệm vị trí giám đốc nhóm mua của một số nền tảng TMĐT cho nên chị rất tự tin khi bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình dựa trên TikTok Shop.
“Chúng tôi là một trong những nhà bán hàng đầu tiên trên TikTok Shop. Khi mà khái niệm quảng cáo, sáng tạo content phục vụ bán hàng còn chưa rõ ràng trên nền tảng thì chúng tôi đã có đơn hàng. CM Foods tiếp cận TikTok Shop rất nhanh. Đây là một mỏ kim cương và nó cực kỳ tiềm năng”, chị Hồng Trâm đánh giá.
CEO TikTok, Shou Zi Chew ghé thăm gian hàng của CM Foods tại sự kiện TikTok Southeast Asia Impact Forum. Kênh TikTok của CM Foods sở hữu hơn 150 nghìn lượt theo dõi và hơn 1,5 triệu lượt thích. Thương hiệu này có slogan gắn với triết lý của nhà sáng lập là "Tự hào là thương hiệu thức ăn Việt Nam, cho người Việt Nam", tham vọng cạnh tranh với sản phẩm đồ ăn vặt ngoại nhập. (Ảnh: Doanh Chính).
Nói về quyết định chọn TikTok Shop để phát triển thương hiệu, chị Hồng Trâm cho biết ở thời điểm sau đại dịch, cách tiếp thị truyền thống đã gặp khó, điều này khiến cánh cửa tiếp cận tới khách hàng của nhiều doanh nghiệp nhỏ bị thu hẹp lại, vì đa phần thị trường đều nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi.
“Chúng tôi đã book rất nhiều KOLs, KOC trên nền tảng TikTok để quảng bá sản phẩm và sau một tháng, kết quả thu về khá rõ rệt. Sản phẩm của CM Foods được biết đến nhiều hơn, mọi người đều nói về chúng tôi. Như vậy, đây là giá trị thực tế, không hề ảo, trái ngược với việc bạn bỏ tiền ra quảng cáo những lại chẳng có đơn hàng nào. Bên cạnh đó, các kênh bán hàng offline như tạp hóa… cũng cởi mở hơn với CM Foods. Họ xem TikTok và nhìn thấy sản phẩm của chúng tôi, sẵn sàng nhập hàng về bán. Điều này thúc đẩy doanh số của CM Foods tăng trưởng”, chị Hồng Trâm bày tỏ.
Với đội ngũ đầu tiên chưa tới 10 người, CM Foods giờ đã hơn 100 nhân sự. Sau một năm kinh doanh trên TikTok Shop, GMV (tổng giá trị đơn hàng) của CM Foods đã tăng trưởng hơn 300%, bán ra một triệu chân gà/tháng, thu về khoảng 8-9 tỷ đồng.
Thương hiệu ăn vặt này đã có thêm sản phẩm sữa chua sấy và trong tương lai, CM Foods muốn tạo ra thêm nhiều sản phẩm ăn vặt Made in Vietnam, có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng, giảm bớt lo ngại về các loại đồ ăn vặt đóng gói không rõ nguồn gốc.