|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ vụ việc của Tân Hoàng Minh

20:17 | 05/04/2022
Chia sẻ
Việt Nam rất mong muốn phát triển thị trường trái phiếu và trong thực tế thị trường này đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý, tuy nhiên về độ bền vững thì chưa có.

 

Sau "lùm xùm" đấu giá Khu đô thị Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) với giá “không tưởng” 2,4 tỷ đồng/m2 rồi bỏ cọc, mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại khiến dư luận thêm một phen xôn xao khi bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc tập đoàn này, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quan lý xử lý vi phạm về việc phát hành trái phiếu sai quy định, không công bố thông tin, công bố thông tin sai sự thật và che giấu thông tin.

Vi phạm không phải là cá biệt

Trước đó, ngày 6/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 837/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 600 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group có địa chỉ trụ sở chính: Tầng 3 Trung tâm thương mại Grand Plaza, 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Công ty này bị phạt do có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group chào bán trái phiếu với trị giá 8,1 tỷ đồng trong năm 2020 và các trái phiếu. Trong giai đoạn từ 18/1/2021 đến 6/8/2021, công ty này chào bán trái phiếu với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng ra công chúng, thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã buộc công ty thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán. Hoặc, tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp xử phạt có hiệu lực thi hành.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm cũng bị cơ quan “chức năng” xử phạt là Tập đoàn VSETGroup. Theo đó, tập đoàn này cũng bị phạt 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tập đoàn VSETGroup buộc phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc.

Công ty còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Phản hồi về quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tập đoàn VSETGroup cho rằng do doanh nghiệp hiện chưa là công ty đại chúng, VSETGroup lần đầu tham gia hoạt động phát hành chứng khoán nên kinh nghiệm còn sơ khai, kiến thức về pháp luật chứng khoán còn hạn chế, khó tránh khỏi các thiếu sót.

Vụ việc mới đây nhất là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Một điểm đáng chú ý là đây cũng là các công ty chưa phải là doanh nghiệp đại chúng.

Rõ ràng, có thể thấy một điểm chung của các công ty vi phạm là các công ty chưa phải doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Rủi ro cho nền kinh tế

Nhận định về việc Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là động thái rất kiên quyết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như của các cơ quan quản lý nói chung đối với việc làm lành mạnh hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là hoạt động của thị trường trái phiếu - một kênh huy động vốn mới của nền kinh tế quốc dân.

Đồng thời, đây cũng là động thái để làm trong sạch, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững hơn.

Chứng khoán và bất động sản là hai mảng rất lớn của nền kinh tế, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, việc siết chặt các quy định, xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm sẽ đưa hoạt động phát hành của trái phiếu bất động sản đi vào nề nếp.

Theo Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam rất mong muốn phát triển thị trường trái phiếu và trong thực tế thị trường này đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý. Tuy nhiên về độ bền vững thì chưa có.

Đặc biệt trong đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu 3 không (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) rất nhiều. Doanh nghiệp phát hành ồ ạt không có đảm bảo, không công khai minh bạch trong hoạt động này.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2022, một loạt các doanh nghiệp đang có kế hoạch phát hành trái phiếu; trong đó, đáng chú ý là 1.000 tỷ đồng trái phiếu “nhiều không.”

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không đảm bảo bằng tài sản trong năm 2022. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 9,5%/năm nhằm thực hiện các dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.

Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công đã phê duyệt phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 1 năm, lãi suất 10%/năm nhằm tài trợ cho các giao dịch cho vay ký quỹ, đầu tư.

Tiếp đến, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần DRH Holdings đã phê duyệt phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản.

Theo thống kê từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2021, trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu và không có tài sản đảm bảo vẫn chiếm hơn một nửa tổng số trái phiếu phát hành.

Tính riêng nhóm bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng (chiếm 10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh chia sẻ ông rất lo trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.

Theo vị chuyên gia này, chuyện phát hành trái phiếu là phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như là có các tài sản làm bảo chắc chắn.

Cùng với đó, tổ chức thị trường riêng OTC (thị trường phi tập trung) cho trái phiếu doanh nghiệp, giống như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không công khai tài chính cũng được, nhưng phải ở trên thị trường OTC.

Lúc này, nhà đầu tư lựa chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường vì họ đã biết là rủi ro và xác định tâm lý “được ăn cả, ngã về không.”

Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức đến thị trường để trái phiếu doanh nghiệp không chỉ phát triển nhanh mà còn bền vững, an toàn. Điều này cũng giúp hạn chế việc chúng ta phải “đuổi theo” xử lý hậu quả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định.

Trở lại vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, sáng ngày 5/4, tập đoàn này chính thức công bố dự kiến hai phương án về tiến trình xử lý hoàn trả tiền đến khách hàng sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tập đoàn này. Cụ thể, đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý và các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Văn Giáp

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.