|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xếp hạng tín nhiệm để giảm rủi ro khi đầu tư trái phiếu

19:48 | 17/04/2022
Chia sẻ
Xếp hạng tín nhiệm giúp cho thị trường trái phiếu thêm minh bạch và chuyên nghiệp. Doanh nghiệp phát hành dễ xác định lãi suất và tìm được người mua, trong khi nhà đầu tư khắc phục được tình trạng thông tin bất đối xứng, hiểu hơn về nhà phát hành.

Trái phiếu khó hơn cổ phiếu

Theo quy định của Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 153/2020, chỉ những doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng mới phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ (cho dưới 100 nhà đầu tư) thì không nhất thiết phải được xếp hạng tín nhiệm.

Trong thực tế, 9 đợt phát hành trái phiếu đã bị hủy bỏ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và hầu hết các đợt phát hành khác tại Việt Nam những năm gần đây đều là phát hành riêng lẻ. Nguyên nhân là phát hành ra công chúng có các yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với khi chào bán riêng lẻ, ngoài quy định về xếp hạng tín nhiệm còn có thêm yêu cầu về kết quả kinh doanh năm liền trước có lãi, không có lỗ lũy kế, quy mô vốn điều lệ đủ lớn, …

Các đợt chào bán riêng lẻ chỉ được có không quá 99 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy mỗi đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ ở nước ta thường chỉ có một hoặc hai tổ chức tham gia mua.

Các tổ chức này thường là ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán trong nước, tự mình thẩm định sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành và đánh giá trái phiếu để quyết định đầu tư. Cũng có khi nhà đầu tư trái phiếu có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp phát hành. Ở vụ việc Tân Hoàng Minh, chính công ty mẹ đã bỏ tiền ra mua trái phiếu mà công ty con phát hành.

Việc phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ ở Việt Nam có bản chất gần giống với hoạt động cho vay, nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu xong rồi nắm giữ đến ngày đáo hạn. Trái phiếu không được giao dịch thường xuyên như một loại chứng khoán khác là cổ phiếu, nguyên nhân là không có sự chuẩn hóa và gắn với rất nhiều biến số khác nhau.

Mỗi doanh nghiệp thường chỉ có một loại cổ phiếu, gọi là cổ phiếu phổ thông. Một số ít có cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, nhưng số lượng không đáng kể. Mỗi cổ phiếu phổ thông đều có giá ngang nhau, mọi đặc điểm giống nhau, nên nhà đầu tư không cần phân tích quá nhiều yếu tố khi mua bán.

Trong khi đó, một doanh nghiệp có thể phát hành tới hàng chục loại trái phiếu, mỗi loại lại khác nhau về khối lượng, kỳ hạn, lãi suất, bảo lãnh thanh toán, tài sản bảo đảm, quyền ưu tiên trong thanh toán, …

Những đặc điểm khác biệt này khiến cho hoạt động đầu tư trái phiếu phức tạp hơn nhiều so với cổ phiếu và thường chỉ dành cho các tay chơi tổ chức. Cùng một doanh nghiệp phát hành, nhưng rủi ro với hai lô trái phiếu khác nhau sẽ không giống nhau. Phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mới có thể phân biệt và nhìn nhận đúng rủi ro của một lô trái phiếu.

 

Xếp hạng tín nhiệm để thúc đẩy thị trường trái phiếu

Kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể giúp cho hoạt động đầu tư trái phiếu dễ dàng hơn và bớt rủi ro.

Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp quản lý các đơn vị xếp hạng tín nhiệm - sẽ cấp phép tối đa cho 5 đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho đến năm 2030. Ở Việt Nam hiện đã có hai tổ chức được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là FiinRatings và Sài Gòn Phát Thịnh.

Các tổ chức thành viên của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng đang hợp tác với công ty có tiếng trong ngành là Moody’s để thành lập và đưa vào vận hành một công ty xếp hạng tín nhiệm mới.

 

Việc sử dụng công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước có những lợi thế nhất định so với các tổ chức quốc tế.

Việt Nam có xếp hạng quốc gia ở mức BB hoặc Ba3, và các tổ chức như S&P, Moody’s hay Fitch coi xếp hạng quốc gia này là mức trần khi đánh giá các doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt Nam không thể có xếp hạng cao hơn BB hoặc Ba3, mức độ phân hóa thấp, nhà đầu tư khó phân biệt.

Trong khi đó, các tổ chức xếp hạng trong nước sẽ đánh giá theo thang đầy đủ từ thấp nhất là vỡ nợ cho tới cao nhất là AAA, mức độ phân hóa giữa các doanh nghiệp và trái phiếu sẽ cao hơn và nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn.

Nhìn chung, việc doanh nghiệp và trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm sẽ tạo nên hình ảnh về một tổ chức minh bạch và đáng tin cậy, được nhà đầu tư tin tưởng hơn.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm dùng năng lực chuyên môn của mình để đánh giá mức độ rủi ro và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành, đưa ra những nhận định cho nhà đầu tư tham khảo trước khi ra quyết định đầu tư.

Doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm sẽ dễ dàng phân phối trái phiếu của mình ra công chúng, không bị bó hẹp bởi một số ít nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Ở nhiều quốc gia như Mỹ hay các nước châu Âu, các nhà đầu tư như quỹ tương hỗ hay quỹ hưu trí chỉ được đầu tư vào những trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm trên một mức nhất định như A, AA hoặc AAA.

 

Nói cách khác, xếp hạng tín nhiệm giúp cho doanh nghiệp tìm được nhiều người mua trái phiếu hơn, gia tăng cơ hội huy động vốn. Nhà đầu tư có thể đưa ra những quyết định dựa trên thông tin đầy đủ hơn từ phân tích của tổ chức xếp hạng, giảm thiểu rủi ro “nhắm mắt đưa chân” khi mua trái phiếu mà mình không hiểu rõ.

Trái phiếu được xếp hạng sẽ dễ được mua bán trên thị trường thứ cấp hơn. Thanh khoản cao cũng giúp cho đợt phát hành trên thị trường sơ cấp diễn ra thuận lợi hơn. Nếu nhà đầu tư biết rằng sau khi mua trái phiếu, mình có thể dễ dàng bán lại cho người khác chứ không phải đợi vài năm cho đến khi đáo hạn mới nhận được gốc, chắc chắn nhà đầu tư sẽ mạnh dạn xuống tiền hơn.

Về lâu dài, hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp hình thành nên dải lãi suất để doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư tham khảo. Ví dụ, một doanh nghiệp được xếp hạng AA sẽ an toàn hơn một doanh nghiệp khác có xếp hạng BBB, và vì vậy chi phí khi đi vay thông qua kênh trái phiếu sẽ thấp hơn. Tương tự, doanh nghiệp xếp hạng AAA sẽ có chi phí vay thấp nhất.

Song Ngọc