|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

4 rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cách để giảm thiểu trước khi xuống tiền

08:00 | 13/04/2022
Chia sẻ
Trái phiếu doanh nghiệp vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn và ổn định trong dài hạn, tuy nhiên, khi tham gia thị trường nhà đầu tư phải tự trang bị kiến thức cho mình để hiểu rõ và giảm thiểu rủi ro của khoản đầu tư.

Mặc dù vẫn chứa đựng rủi ro nhưng không thể phủ nhận rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đóng một vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế và do đó khó có thể nói tới chuyện đóng cửa thị trường.

Huy động vốn bằng trái phiếu có những ưu điểm riêng như thời gian đáo hạn thường dài hơn so với vay vốn ngân hàng, lãi suất thường cố định trong suốt quá trình vay, rất thuận lợi cho những doanh nghiệp đầu tư cho các dự án dài hạn.

Cùng với đó, chi phí liên quan đến việc phát hành TPDN đều được trừ thuế, giúp giảm bớt gánh nặng về thuế cho doanh nghiệp.

Đối với các nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn và ổn định trong dài hạn. Tuy nhiên, khi tham gia thị trường nhà đầu tư phải nắm được thông tin cơ bản về trái phiếu và hiểu rõ được những rủi ro của khoản đầu tư.

Rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp 

Trong báo cáo Triển vọng đầu tư năm 2022 mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Fiin Group đã chỉ ra 4 rủi ro chính khi đầu tư TPDN với nhà đầu tư gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro định giá lãi suất và các nhóm rủi ro khác (lạm phát, lãi suất, mua lại trái phiếu,...).

 Nguồn: Fiin Group.

Báo cáo cũng liệt kê 5 nhóm tiêu chí mà nhà đầu tư cần quan tâm khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gồm: thông tin về đơn vị phát hành, thông tin về trái phiếu, tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán, cam kết mua lại (nếu có) và các điều kiện, điều khoản khác.

  Nguồn: Fiin Group. 

Trước khi ra quyết định đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cần trao đổi với tổ chức phân phối, tư vấn phát hành về thông tin về trái phiếu và tổ chức phát hành. Đặc biệt, với trái phiếu có rủi ro cao hơn, không có cam kết mua lại trái phiếu, bảo lãnh thanh toán hay tài sản bảo đảm, mức độ tìm hiểu thông tin cần kỹ càng và chi tiết hơn.

  Nguồn: Fiin Group. 

Trái phiếu có tài sản bảo đảm chưa chắc đã "đảm bảo"

Theo số liệu từ Fiin Group, khoảng 50% khối lượng trái phiếu phát hành trong năm 2021 là không có tài sản bảo đảm (TSBĐ). Số còn lại có TSBĐ thì tài sản thường là cổ phiếu, bất động sản, tài sản hình thành từ vốn vay.

Với tài sản thế chấp là cổ phiếu có giá trị dao động lớn và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tín dụng của tổ chức phát hành, khi xảy ra sự kiện vi phạm, giá trị bảo đảm bằng cổ phiếu cũng sẽ sụt giảm nhanh chóng. 

Với các trái phiếu đảm bảo bằng bất động sản và tài sản hình thành từ vốn vay cũng rất rủi ro do các tài sản này nếu không hoàn thành đúng theo kế hoạch đầu tư thì giá trị TSBĐ cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, ngoài ra thời gian xử lý TSBĐ kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn đầu tư của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu.

  Nguồn: Fiin Group. 

Trái phiếu có bảo lãnh có thực sự "an toàn"? 

Khi hơn 80% doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản là doanh nghiệp không niêm yết (năm 2021), khả năng tiếp cận thông tin tài chính của nhà đầu tư với tổ chức phát hành sẽ khá khó khăn, do đó dẫn tới rủi ro khi đầu tư càng lớn.

Trái phiếu phát hành riêng lẻ có độ rủi ro cao hơn so với trái phiếu phát hành ra công chúng và do đó nhà đầu tư theo quy định sẽ phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp như ngân hàng và các công ty chứng khoán, những tổ chức tài chính chuyên nghiệp có đội ngũ phân tích và đánh giá tài chính dày dặn nhất trên thị trường hiện nay.

Khi mua trái phiếu có bảo lãnh, nhà đầu tư cũng cần xác định xem đó là bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Nếu chỉ là bảo lãnh phát hành thì người mua phải gánh chịu toàn bộ rủi ro của trái phiếu.

Còn đối với bảo lãnh thanh toán thì cần xem là của tổ chức nào phát hành, nếu được bảo lãnh từ tổ chức uy tín như ngân hàng sẽ có độ đảm bảo cao trong khi bảo lãnh thanh toán từ các công ty mẹ hay công ty liên kết thì mức độ rủi ro vẫn có do tình hình tài chính giữa các công ty này có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Những cam kết mua lại trái phiếu trước thời hạn (nếu có) của tổ chức phát hành và đơn vị phân phối cũng cần xác định rõ là cam kết chắc chắn mua lại hay chỉ là cam kết tương đối (hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp).

  Nguồn: Fiin Group. 

Các chuyên gia của Fiin Group cũng đã chỉ ra dưới đây các nhóm tiêu chí tài chính cơ bản và quan trọng nhất khi đánh giá doanh nghiệp phát hành trái phiếu để giúp các nhà đầu tư trái phiếu có được hình dung cụ thể hơn trong quá trình đánh giá phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng các chỉ tiêu này phản ánh lịch sử kinh doanh của tổ chức nhưng yếu tố quan trọng là cần đánh giá các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

  Nguồn: Fiin Group. 

Diệp Bình