Siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp và một số vấn đề còn bỏ ngỏ
Vài năm gần đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển rất nóng. Năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành tăng 29% so với 2019, trong khi tín dụng ngân hàng chỉ tăng 12%. Qua năm 2021, sức tăng còn dữ dội hơn: TPDN tăng 40% còn dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 14%. Thế nhưng sự phát triển vượt bậc ấy lại đi kèm lo hơn là mừng.
Thứ nhất, cứ 4 đồng trái phiếu phát hành thì 3 là của ngân hàng, công ty bất động sản. Chỉ có một phần tư là tài trợ vốn sản xuất kinh doanh bình thường. Nhà đầu tư muốn cho vay doanh nghiệp đầu tư sản xuất, mở rộng nhà máy thì phải kiếm đỏ con mắt. Đó là điều không bình thường.
Phải chăng các dự án tốt, mục đích dùng vốn rõ ràng, rủi ro trung bình - thấp thì đã có bến đỗ ở tín dụng ngân hàng, còn lại mới chạy ra thị trường trái phiếu?
Không phải tự nhiên mà các thị trường tài chính phát triển có riêng phân khúc trái phiếu rủi ro cao gọi là “junk bond”, dịch nôm na là trái phiếu rác. Coi chừng thị trường phong phú hàng hóa nhưng lại là hàng chợ vỉa hè chứ không phải hàng chuẩn siêu thị.
Thứ hai, những vụ việc gần đây đã cho thấy còn nhiều kẽ hở trong công tác phát hành và tạo ra rủi ro lớn. Dự thảo sửa đổi NĐ 153 theo hướng thắt chặt lại quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một động thái hoàn toàn hợp lý. Về nội dung dự thảo, nổi lên một vài điểm đáng trao đổi.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lô trái phiếu nghìn tỷ bị hủy bỏ: Những tổ chức nào có liên quan? 06/04/2022 - 16:30
Đầu tiên, quy định dự thảo cấm dùng tiền thu được để đi góp vốn lại dưới mọi hình thức kể cả cho doanh nghiệp khác vay lại. Nhiều người cho rằng như thế thì quá gò bó cho doanh nghiệp phát hành. Thực ra, điều này sẽ góp phần uốn lại cơ cấu trái phiếu như đã nói ở phần trên.
Hơn nữa, nó sẽ giúp cho dễ dàng kiểm soát được vốn vay đang được sử dụng thế nào. Trong trường hợp dùng tiền trái phiếu để góp vốn, nhà phát hành chỉ báo cáo là đã góp vốn xong, thế là xong chuyện.
Còn giờ đây, khi nhà phát hành là người trực tiếp đưa vốn vào đầu tư sản xuất hoặc xây dựng, việc báo cáo tiến độ với trái chủ sẽ mang tính thực chất hơn. Vụ Tân Hoàng Minh chính là tiêu biểu cho việc dùng tiền trái phiếu không đúng mục đích, phát hành 10.030 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Một vấn đề được nhắc đến nhiều trong giới chuyên môn là xếp hạng tín nhiệm. Dự thảo bắt buộc phần lớn trường hợp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì tín nhiệm có tầm hai chục bậc từ cao xuống thấp. Nếu chỉ nói khơi khơi thì cũng giống nói học sinh muốn đi du học phải có điểm thi IELTS, còn IELTS mấy điểm cũng được.
Và cũng không nên kỳ vọng nhiều vào xếp hạng tín nhiệm. Vấn đề là nhà đầu tư có hiểu bậc tín nhiệm nào là tốt, bậc nào rủi ro cao không? Quan trọng hơn, họ có tin vào kết quả xếp hạng tín nhiệm không?
Thực tế ở rất nhiều lĩnh vực ở nước ta, các loại giấy phép, tiêu chuẩn… cuối cùng chỉ là hình thức, đều được thông qua “đúng quy trình”. Năm 2014, luật Kinh doanh bất động sản quy định môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề. Người ta từng kỳ vọng nhiều là điều này sẽ giúp thị trường bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn. Tác dụng thực tế ra sao chắc không cần phải bàn.
Chúng ta hãy hình dung là trên một con đường có nhiều tai nạn đã xảy ra. Nhiều người đi tìm nguyên nhân ở phía con đường. Chất lượng đường không tốt, phải mở rộng… Nhưng còn một hướng nguyên nhân khác: ý thức, hành vi của người đi đường. Và có phải việc giám sát của cảnh sát giao thông chưa tốt?
TPDN phát hành riêng lẻ được quy định thoáng hơn so với TPDN phát hành ra công chúng, đổi lại chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Có thể hiểu đây là đối tượng có khả năng chịu đựng rủi ro cao cũng như khả năng phân tích tốt.
Nhưng thực tiễn đang nảy sinh hai vấn đề. Một là hiện tượng chạy giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chỉ cần đóng vai người mua trái phiếu là bạn sẽ được bên môi giới lo hết từ A-Z. Hai là kể cả khi nhà đầu tư thỏa mãn tiêu chí “chuyên nghiệp” trong luật cũng chưa chắc đã nhận thức đầy đủ về công cụ đầu tư này.
Hãy nhìn qua lĩnh vực bảo hiểm. Hiện nay, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có những điểm mới, với quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Thiết nghĩ nên có một điều khoản tương tự áp dụng cho nhà đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ.