Reuters: Mức độ ủng hộ luận tội Tổng thống Trump không đổi sau khi bắt đầu điều trần công khai
Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)
Kéo dài trong hai ngày 14 và 15/11, cuộc thăm dò trực tuyến trên toàn nước Mỹ này cho thấy có 44% người Mỹ trưởng thành nhận định Tổng thống Trump "nên bị luận tội", trong khi 40% cho hay ông "không đáng bị luận tội".
Một khảo sát tương tự diễn ra vào đầu tuần ghi nhận có 45% ủng hộ vụ luận tội và 42% phản đối.
Khảo sát của Reuters/Ipos lần này còn phát hiện khoảng 68% người Mỹ cho biết họ đang theo dõi các phiên điều trần, trong đó 28% xem hoặc nghe điều trần trên sóng trực tiếp. Ngoài ra, có 25% người dân Mỹ không chú ý đến quá trình luận tội tại Quốc hội.
Trong nhóm người dân quan tâm đến vụ việc, 41% nói rằng các phiên điều trần khiến họ "thêm ủng hộ" luận tội ông Trump, trong khi 25% khẳng định họ "ít ủng hộ" luận tội hơn.
Phát hiện trên, cùng với việc ý kiến của công chúng gần như không có biến động, cho thấy các phiên điều trần cho đến nay chủ yếu đóng vai trò củng cố quan điểm mà người dân hình thành từ trước đó về cuộc luận tội.
Nhìn chung, cuộc thăm dò của Reuters/Ipos cho thấy 41% công chúng tín nhiệm ông Trump, trong khi 54% không bằng lòng với Tổng thống Mỹ.
Khi được hỏi về vụ việc Ukraine, 57% cho biết họ đồng ý rằng Quốc hội Mỹ nên điều tra xem ông Trump có thực hiện hành vi đáng bị luận tội hay không, trong khi 30% không đồng ý. Và 47% nhất trí rằng ông Trump "đã gây sức ép" đối với Ukraine để nước này điều tra cha con ông Biden, ngược lại có 29% không tán thành.
Các phiên điều trần diễn ra trong tuần này đã bắt đầu giai đoạn công khai của cuộc điều tra luận tội do Hạ viện lãnh đạo. Người dân Mỹ đã theo dõi quá trình các nhà lập pháp đặt câu hỏi cho quan chức ngoại giao Mỹ về cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực để yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden và con trai Hunter Biden.
Tổng thống Trump đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc trên.
Tuy nhiên, trong tuần này, ông William Taylor (đương nhiệm Đại sứ Mỹ tại Ukraine ) và ông George Kent (phó trợ lí của Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách về vấn đề Ukraine) đều làm chứng về những gì họ xem là hành vi đáng báo động của ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của Tổng thống Trump, trong việc gây sức ép buộc Ukraine mở cuộc điều tra tham nhũng đối với cha con ông Biden.
Một nhà ngoại giao khác, bà Marie Yovanovitch (cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine) đã làm chứng về vai trò của ông Giuliani trong việc loại bỏ bà khỏi vị trí vào đầu năm nay. Sau khi Tổng thống Trump đăng tweet chế giễu nhà ngoại giao kì cựu 33 tuổi này trong lúc bà đang điều trần, bà Yovanovitch cho biết bà cảm thấy trải nghiệm đó "rất đáng sợ".