|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Reuters: Lo ngại vấn đề kinh tế, thương mại, giới chuyên gia hạ dự báo giá dầu năm 2019

20:08 | 04/09/2019
Chia sẻ
Kết quả khảo sát 51 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích của Reuters dự báo giá dầu thô Brent trung bình đạt 65,02 USD/thùng vào năm 2019, giảm khoảng 4% so với ước tính của tháng 7 là 67,47 USD và thấp hơn một chút so với mức trung bình trong năm nay.

Theo báo cáo, đây cũng là mức dự báo trung bình thấp nhất trong 2019 đối với giá dầu Brent kể từ tháng 3/2018.

Triển vọng trong năm 2019 của giá dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng bị hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2018 ở 57,9 USD/thùng, thấp hơn dự báo của tháng 7 là 59,29 USD. Giá dầu WTI trung bình đạt 57,13 USD trong năm nay.

"Cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp diễn và rủi ro kinh tế chậm lại là những nhân tố chính ảnh hưởng tới giá trong phần còn lại của năm nay và năm 2020", chuyên gia phân tích Soni Kumari của ANZ nhận định. 

"Tranh chấp thương mại có thể khiến sự chậm lại của nền kinh tế sâu hơn và tác động tới tăng trưởng nhu cầu".

Vòng thương mại mới nhất giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là yếu tố chính đứng sau sự sụt giảm tới 20% của giá dầu từ mức cao trong năm 2019, được xác lập vào tháng 4, với Bắc Kinh đã áp thuế quan đối với dầu thô nhập khẩu vào đầu tháng 9.

Giá dầu thô lao dốc đã làm giảm ảnh hưởng của thỏa thuận cắt sản xuất từ Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu (OPEC), với một số chuyên gia phân tích cho biết tổ chức có thể kéo dài việc giảm sản lượng sang tới năm 2020.

"Thông thường, các nhà sản xuất ít ổn định khi giá chịu áp lực và các thành viên cạnh tranh giành thị phần. OPEC sẽ không thoát khỏi qui luật này", chuyên gia kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của Hamburg Commercial Bank cho hay.

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu được dự báo tăng 0,9 - 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2019, so với dự báo 0,8 - 1,4 triệu thùng/ngày của tháng 7. 

Nhu cầu dầu dự báo ảm đạm

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế và OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2019 vào tháng 8.

"Nhu cầu dự kiến sẽ giảm tại các quốc gia phát triển trong khi tăng trưởng chậm lại tại những nước mới nổi", ông Norbert Ruecker, người đứng đầu phòng nghiên cứu kinh tế và thế hệ tiếp theo tại ngân hàng Thụy Sĩ Julius Baer. 

Ông Baer nói thêm dù chính sách tiền tệ tích cực sẽ kết thúc sự suy thoái và kéo dài chu kì kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo trong năm tới là không đủ để thúc đẩy nhu cầu dầu.

Dầu có thể nhận được sự hỗ trợ hạn chế từ căng thẳng tại Trung Đông, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, và tăng trưởng thấp hơn dự kiến về sản lượng tại Mỹ, ngay cả khi các đường ống dẫn dầu mới từ mỏ Permian cảu Mỹ giúp khơi thông nguồn cung đang bị tắc nghẽn. 

"Trong khi chúng tôi dự báo căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên gay gắt hơn, và tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm lại, chúng tôi nghĩ thị trường dầu có thể phản ứng thái quá đối với thông tin tiêu cực về nhu cầu, và dường như đã mất tập trung vào sự hạn chế nguồn cung", ông Oliver Allen, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nhận định. 

Ngoài ra, giá dầu thô có thể nhận được sự hỗ trợ một lần duy nhất khi các qui định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế có hiệu lực vào năm tới, theo đó cấm tàu, thuyền sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh trên 0,5%, theo khảo sát của Reuters

Trong phiên giao dịch ngày 4/9, giá dầu phục hồi nhẹ nhờ hoạt động mạnh mẽ tại Trung Quốc. Theo đó, giá dầu thô Brent, giao dịch trên sàn London, đã tăng 1,48% lên 59,12 USD/thùng vào lúc 19h10 (giờ Việt Nam); giá dầu WTI tăng 1,65% lên 54,83 USD/thùng.

Lyly Cao