|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rào cản đưa hàng hóa Việt vào hệ thống phân phối quốc tế lớn

07:17 | 09/05/2018
Chia sẻ
Khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để tiếp cận các hệ thống phân phối lớn. Nhu cầu đưa hàng hóa vào các hệ thống này rất lớn nhưng rất ít doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản phẩm.

Từ đầu năm 2000, thị trường phân phối Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, mở đầu là các nước châu Âu như Đức (với siêu thị Metro) hay Pháp (tập đoàn Bourdon). Cũng từ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó, hàng Việt Nam tuy xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường xuất khẩu qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp.

rao can dua hang hoa viet vao he thong phan phoi quoc te lon
Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cho các mạng lưới phân phối trong ngành hàng chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, da giầy thực tế chiếm tỷ lệ rất thấp về cả số doanh nghiệp và kim ngạch.

Nhằm tăng cường kết nối hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam với những doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ đã tổ chức các Tuần hàng Việt Nam trong các chuỗi phân phối thế giới. Ý tưởng này phát triển từ lợi ích từ cả hai phía. Các doanh nghiệp Việt Nam Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nắm bắt tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiền Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho hay khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để tiếp cận các hệ thống phân phối lớn. Nhu cầu đưa hàng hóa vào các hệ thống này rất lớn nhưng rất ít doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản phẩm. Khi tham gia Tuần hàng, nhiều doanh nghiệp mang tâm thế “bán những gì họ có” mà chưa nhận thức được những yêu cầu và tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối.

“Nếu Việt Nam xúc tiến theo hướng cạnh tranh về mặt giá rẻ, nhân công rẻ thì không mang lại lợi ích thiết thực. Vì vậy, các doanh nghiệp nên chú ý tăng giá trị hàng hóa”, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc AEON Topvalu nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết “Hàng hóa Việt Nam có thâm nhập được chuỗi phân phối thế giới hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng và việc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu”.

Bà Mai Anh cho hay hiện nay đối tượng tham gia chương trình hầu như là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với những hàng rào kỹ thuật lớn, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư lớn, có khi lên tới 20.000 USD/năm. Nếu các siêu thị không cam kết đặt số lượng hàng hóa cụ thể thì doanh nghiệp cũng khó lòng cung ứng đầy đủ ngay tức khắc, điều này gây tâm lý chán nản. Các đơn hàng của nhà phân phối hiện nay thường nhỏ và giá trị thấp trong khi doanh nghiệp mong muốn hợp đồng bền vững và lâu dài.

Đức Quỳnh