Quy hoạch Thủ Thiêm: 'Không phải chỉ có khu 4,3 ha nằm ngoài ranh mà còn 4 khu phố khác'
Tại cuộc gặp giữa UBND TP HCM với gần 40 hộ dân Thủ Thiêm ở hai phường Bình An và Bình Khánh (quận 2) do Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng ông Nguyễn Hồng Điệp (Trưởng ban tiếp dân - Thanh tra Chính phủ) chủ trì để trao đổi về chính sách hỗ trợ bổ sung, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng đã đưa ra 10 trường hợp nhà đất (trong tổng số 2.000 hộ) sẽ được thành phố hỗ trợ bổ sung.
Sau khi Chủ tịch quận 2 công bố các trường hợp và các hướng giải quyết, ông Nguyễn Văn Khương (ngụ phường Bình Trưng Đông) đặt câu hỏi với Chánh văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan về nội dung ông này đã nói tại cuộc họp báo mới đây rằng "đã xác định được ranh khu 4,3 ha".
Người dân theo dõi buổi tiếp xúc giữa UBND TP HCM với dân Thủ Thiêm qua màn hình bên ngoài hội trường. Ảnh: Tuổi Trẻ Online. |
"Nay bà con yêu cầu ông cung cấp tất cả các bản đồ để cho dân nắm bắt, xem chúng tôi có nằm trong ranh quy hoạch mà ông nói hay không. Nếu nằm trong ranh thì chúng tôi mới trao đổi tiếp về 10 nội dung xem xét. Vì thực tế chúng tôi không nằm trong ranh đó", ông Khương nói.
Trả lời câu hỏi này, ông Võ Văn Hoan cho biết, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thành phố phải xác định lại ranh khu 4,3ha cho chính xác, làm sao đảm bảo tối đa lợi ích của người dân.
"Trước hết, thành phố lấy tất cả bản đồ đã có khi trình Chính phủ. Có mười mấy tấm bản đồ, cái nào cũng giống nhau, chỉ khác ở ranh mà thôi. Trong đó, có tấm là tổng mặt bằng, hệ thống điện, hệ thống nước, hệ thống giao thông... Mỗi bản đồ quy hoạch cụ thể, có cái có khu 4,3 ha thể hiện bằng nét chấm gạch, có cái lại không...", ông Hoan giải thích.
Theo Chánh văn phòng UBND TP HCM, 'không phải chỉ có khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm mà còn 4 khu phố khác'. |
Ông Hoan cho biết thêm, giữa bản đồ người dân đưa ra và thành phố có chưa thể xác định 4,3 ha nằm trong hay ngoài ranh. Khi kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 4,3 ha là nằm ngoài ranh nên thành phố phải xác định cho cụ thể. Đến giờ này về cơ bản đã hình dung ra được ranh 4,3 ha rồi. Đây chỉ là bước đầu, khi nào các cơ quan trung ương căn cứ vào pháp lý, có ý kiến kết luận thì mới công bố", ông Hoan nói.
"Thành phố đã nắm được vấn đề bà con bức xúc - không phải chỉ có khu 4,3 ha nằm ngoài ranh mà còn 4 khu phố khác. Thành phố sẽ báo cáo Thanh tra Chính phủ", ông Hoan nói.
Tại buổi tiếp xúc, hầu hết người dân Thủ Thiêm có mặt đều cho rằng cả 5 khu phố và 3 khu dân cư (gồm Khu phố 1 phường Bình An; Khu phố 5, 6 phường An Khánh; Khu phố 1, 2 phường Bình Khánh) đều nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chứ không chỉ có 4,3 ha Khu phố 1 phường Bình An - như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân - Thanh tra Chính phủ cũng trả lời thêm: “Hôm nay tôi đến để lắng nghe ý kiến người dân cho rằng phạm vi ngoài ranh quy hoạch lớn hơn 4,3 ha, sau đó sẽ báo cáo lại với Tổng Thanh tra Chính phủ. Từ đó mới có cơ sở để tiếp tục kiểm tra, làm rõ thêm”.
Tại cuộc họp báo mới đây, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tích cực phối hợp với Cục đo đạc bản đồ và thông tin địa lý của Bộ Tài nguyên - môi trường để xác định ranh khu 4,3 ha trên bản đồ, sẽ báo cáo xin ý kiến Thường vụ Thành ủy và Thanh tra Chính phủ thống nhất hướng xử lý ranh. Sau đó TP HCM sẽ họp dân để thông báo, cắm mốc ranh cụ thể của toàn khu và xác định ranh cụ thể của từng trường hợp một trong khu đó.
"Hướng chung là không để bà con thiệt thòi về vấn đề ranh", ông Hoan nói.
10 trường hợp nhà đất (trong tổng số 2.000 hộ) sẽ được TP HCM hỗ trợ bổ sung: 1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm, không tính thời điểm Nghị định 34 có hiệu lực nữa, mà tính theo thời điểm thu hồi đất. 2. Bồi thường hỗ trợ đối với đất do dân tự khai phá, canh tác. Mức hỗ trợ về chi phí bồi thường và tái định cư, đưa về thời điểm 1997. 3. Hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm, sông, kênh rạch từ năm 1993 đến 1998. 4. Hỗ trợ đối với đất lấn chiếm sông, kênh rạch từ có nguồn gốc từ 1998-2002. 5. Xem xét chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp thuê đất do Nhà nước quản lý để kinh doanh. 6. Các trường hợp thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, thời điểm 15/10/1993 đến năm 2002. 7. Các trường hợp nhà đất ở bị giải tỏa một phần. 8. Các trường hợp đã chuyển thành đất ở nhưng không trực tiếp ở, làm kho, chuồng trại... Đất nông nghiệp không dùng để ở cũng được xem xét điều chỉnh. 9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen trong khu đất ở. 10. Đất tự chuyển đất nông nghiệp thành đất ở trước ngày 10/5/2002 |