Quĩ đầu tư quyền lực nhất thế giới lỗ nặng, có lẽ Masayoshi Son nên rút lui để quĩ 'bớt liều'
SoftBank đang trở thành một trong những nạn nhân lớn nhất của COVID-19 khi nhiều khoản đầu tư vào các công ty công nghệ danh tiếng của "đại gia" Nhật bản lao dốc.
Trong một bài phỏng vấn gần đây cùng Forbes, Masayoshi Son, CEO SoftBank, nói rằng 15 trên tổng số 88 công ty trong danh mục đầu tư của quỹ Vision Fund có nguy cơ phá sản. Dù vậy, ông tin 15 công ty sẽ thành công.
Rõ ràng SoftBank chấp nhận thực tế rằng nhiều khoản đầu tư mạo hiểm của họ sẽ đổ bể nhưng một số ít các khoản đầu tư sẽ thực sự thành công và là cứu cánh cho cả danh mục. Sự thành công của một số ít startup hoàn toàn có thể bù đắp cho các công ty thua lỗ.
Hiện tại, hơn một nửa trong tổng tài sản của SoftBank đến từ cổ phần của Alibaba mà SoftBank nắm. SoftBank là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên của tập đoàn tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.
Bên cạnh Alibaba, một phần lớn giá trị tài sản của SoftBank còn đến từ SoftBank Telecom và cổ phần trong Sprint Telecom (Mỹ, hiện tại đã sáp nhập với T-Mobile). Tập đoàn có trụ sở tại Nhật Bản còn có cổ phần trực tiếp trong OneWeb, công ty vận hành vệ tinh Internet vừa đệ đơn phá sản tháng trước.
Các khoản đầu tư của của SoftBank Vision Fund (SVF) đang khiến hình ảnh của Son trên truyền thông xấu hơn rất nhiều.
Hôm 13/4, SoftBank dự đoán họ sẽ lỗ 16,7 tỉ USD với quỹ SVF và lỗ thêm 7,4 tỉ USD từ các khoản đầu tư khác, bao gồm WeWork và OneWeb, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020.
Tech In Asia bình luận rằng các nhà đầu tư SVF và danh tiếng cá nhân của Son là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các khoản đầu tư thua lỗ.
Giá trị tài sản của tập đoàn không chịu ảnh hưởng lớn bởi những sai lầm của quĩ, dù thị trường chứng khoản sụt giảm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của SoftBank.
Theo tính toán của Tech In Asia, giá trị cổ phiếu của SoftBank đang thấp hơn giá trị sổ sách tới 60%. Thực tế ấy có nghĩa là, nếu tập đoàn SoftBank chia nhỏ thành các công ty con và Son không thực hiện các khoản đầu tư rủi ro cao, giá trị cổ phiếu sẽ cao hơn nhiều.
Các nhà đầu tư cũng đang ngày càng quan ngại với các khoản nợ của SoftBank, tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor's gần đây đã giảm triển vọng tín dụng của SoftBank xuống mức tiêu cực.
Không phải ngẫu nhiên là các nhà đầu tư như Elliott Managemnent Corp đang gia tăng sức ép lên SoftBank về việc dừng những khoản đầu tư "dựa trên tầm nhìn" và thực hiện các khoản đầu tư có thể sinh lời truyền thống hơn.
Mới đây SoftBank đã bán 41 tỉ USD giá trị tài sản để mua lại cổ phiếu và trả nợ. Giá trị cổ phiếu SoftBank tăng mạnh trở lại sau động thái ấy.
Mặc dù Son dường như cũng đã bắt đầu cân nhắc hơn với những khoản đầu tư rủi ro cao, ví dụ như việc huỷ một khoản đầu tư 3 tỉ USD vào WeWork đầu tháng 4, cổ phiếu SoftBank có thể sẽ còn tăng giá nếu ông từ chức, Tech In Asia nhận định.
Tech In Asia đồng ý rằng đây là một gợi ý khá "mạo hiểm" song mọi thứ sẽ hợp lý hơn khi nhìn sang trường hợp của Uber, Google hay Microsoft. Khi người sáng lập của các tập đoàn đó rời ghế CEO và nắm giữ các vị trí có quyền điều hành thấp hơn, chúng đều phát triển rực rỡ sau đó. Thị trường đang muốn thấy một SoftBank bớt mạo hiểm hơn.