Quảng cáo của Mazda gây tranh cãi vì tự so sánh ngang với Audi
Theo nhận định trên chuyên trang xe cộ Jalopnik, quảng cáo gần đây của Mazda đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trong giới mộ điệu ô tô và công chúng. Mặc dù, Mazda công bố doanh số tăng 13% so với năm trước nhưng phản ứng đối với nỗ lực tiếp thị mới nhất cho thấy cách tiếp cận của hãng xe Nhật có thể không phù hợp với kỳ vọng của người tiêu dùng.
Quảng cáo giới thiệu mẫu Mazda CX-70 mới, về cơ bản là phiên bản 5 chỗ của CX-90, đồng thời đưa ra so sánh gây tranh cãi với thương hiệu xe sang như Audi. Trọng tâm của quảng cáo là câu hỏi: "Liệu Mazda có giống như một chiếc Audi giá phải chăng, hay Audi giống như một chiếc Mazda đắt tiền hơn?"
Câu hỏi này có vẻ hấp dẫn ban đầu, nhưng các nhà phê bình cho rằng cách truyền tải không hiệu quả. Với khẩu hiệu thiếu tinh tế và bối cảnh, nhiều khán giả cảm thấy bối rối. Những người am hiểu lập luận rằng mặc dù Mazda đã đạt được thành công về doanh số và nhận diện thương hiệu, nhưng việc so sánh trực tiếp với các thương hiệu xe sang lâu đời như Audi có vẻ không phù hợp.
Xe Mazda nổi tiếng về độ tin cậy và giá trị, nhưng không hẳn về sự sang trọng, ít nhất là chưa phải lúc này. Quảng cáo phản ánh tham vọng của Mazda trong việc định vị mình như một đối thủ cạnh tranh ở phân khúc cao cấp hơn trong thị trường ô tô.
Sự thay đổi chiến lược mà họ áp dụng là tách khỏi nhận thức về xe phổ thông hướng đến hình ảnh thương hiệu cao cấp hơn. CX-90, được giới thiệu trước đó, đã có ảnh hưởng trong việc thiết lập tầm nhìn mới này, với các tính năng gợi nhớ đến những chiếc xe cao cấp hơn.
Tuy nhiên, chiến lược tiếp thị, như được thể hiện trong quảng cáo gần đây, gây nghi ngờ, khi ranh giới giữa giá cả phải chăng và sang trọng là rất mong manh. Dư luận trở nên tranh cãi với đoạn quảng cáo của Mazda. Nhiều người theo dõi ngành công nghiệp đã bày tỏ sự hoài nghi về cách định vị của Mazda.
Một người bình luận nhận xét rằng quảng cáo không có nhiều ý nghĩa và không gợi lên cảm giác sang trọng: "Tôi không nghĩ mọi người đã xem Mazda là một thương hiệu xe sang thực thụ. Một bước tiến so với Honda hay Toyota, chắc chắn rồi, nhưng chưa phải là đối thủ cao cấp như Audi."
Nhận xét này phản ánh mối quan tâm rộng rãi về cách tiếp cận thương hiệu của Mazda. Bên cạnh nỗ lực tiếp thị, Mazda gần đây cũng gây chú ý với các quyết định liên quan đến dịch vụ kết nối.
Sau thời gian thử nghiệm cung cấp các tính năng miễn phí, Mazda đã công bố kế hoạch đăng ký mới cho Dịch vụ Kết nối Mazda, yêu cầu chủ xe phải trả 10 USD mỗi tháng. Các hệ thống như khởi động từ xa và mở khóa không cần chìa khóa giờ đây phải trả phí sau thời gian miễn phí ba năm. Việc chuyển từ miễn phí sang trả phí đã không qua khỏi tai mắt người dùng, khi nhiều chủ xe Mazda bày tỏ sự thất vọng về khoản phí mới.
Một người dùng đã chia sẻ cảm nhận trên mạng xã hội: "Bạn trả 30.000 - 60.000 USD cho một chiếc xe. Ít nhất tính năng khởi động từ xa nên có sẵn trên chìa khóa chứ!" Phản ứng dữ dội này nhấn mạnh cách thương hiệu có thể rủi ro làm xa lánh khách hàng trong nỗ lực đổi mới và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Việc hãng xe Nhật thông báo về phí dịch vụ cho các tính năng vốn được mong đợi rộng rãi ở mức giá này, đã kích động cuộc thảo luận về khái niệm giá trị. Chủ xe giờ đây phải đối mặt với quyết định: tiếp tục trả tiền cho các tính năng mà họ cho rằng nên được bao gồm hoặc từ bỏ chúng hoàn toàn. Tình huống này đang trở thành một thử thách đáng kể cho lòng trung thành thương hiệu của Mazda.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành ô tô, nơi nhiều thương hiệu đang cạnh tranh để thu hút sự chú ý của khách hàng, chiến lược tiếp thị thành công là điều cốt yếu. Nỗ lực gần đây của Mazda phản ánh mong muốn nâng tầm thương hiệu nhưng có thể cần được đánh giá lại. Nhiều người nhấn mạnh rằng bất kỳ chiến lược nào nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về một công ty đều phải được xây dựng một cách thận trọng và với sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý thị trường.