|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Crossover cỡ C nửa đầu 2024: Ngôi vương khó lật của Mazda CX-5

20:30 | 21/07/2024
Chia sẻ
Nửa đầu 2024, lượng bán 5.270 chiếc của CX-5 bỏ xa phần còn lại của phân khúc, nơi có những cái tên như Ford Territory, Honda CR-V, Hyundai Tucson.

42% là mức thị phần đóng góp của CX-5 cho thương hiệu Mazda nói chung tại Việt Nam. "Gà đẻ trứng vàng" của hãng Nhật tiếp tục cho thấy sức mạnh tuyệt đối ở phân khúc crossover (CUV) cỡ C sau nửa đầu 2024 khi chiếm đến 37% thị phần toàn phân khúc. So với cùng kỳ 2023, CX-5 giảm nhẹ 3%.

 

Ưu thế về giá bán vẫn là thứ vũ khí chính giúp Mazda CX-5 tạo nên cơn sốt trên thị trường. Với mức từ 749 triệu đồng, CX-5 không chỉ khiến các đối thủ trong phân khúc phải điều chỉnh giá bán theo, mà những phân khúc lân cận, như B, B+ cũng vậy.

CX-5 bán nửa năm qua thuộc phiên bản nâng cấp giữa chu kỳ. Thay đổi ở ngoại, nội thất không nhiều so với bản tiền nhiệm. Nhưng giá bán hấp dẫn cùng thiết kế trung tính, hợp mắt với số đông giúp vị thế doanh số của CX-5 trong phân khúc không thay đổi so với trước đó.

Lượng bán 5.270 xe của CX-5 nhiều hơn gấp rưỡi so với mẫu xe xếp thứ hai là Ford Terrirory (2.949 xe). Khi tâm lý e ngại ban đầu về nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc qua đi, Territory dần trở nên được ưa chuộng hơn. Thiết kế hiện đại, nhiều tiện nghi và công nghệ an toàn, mẫu xe Ford chỉ xếp dưới CX-5 về độ hút hàng.

CX-5 tại một đại lý ở Bình Dương. Ảnh: Phạm Trung

Các chương trình giảm giá thường xuyên của hãng và đại lý cũng là trợ lực để Territory vượt qua những cái tên đã xuất hiện trước ở phân khúc này như Honda CR-V, Hyundai Tucson.

Trong khi CX-5, Territory, Sportage hay Outlander đều giảm doanh số do thị trường gặp khó ở nửa đầu 2024, CR-V và Tucson lại tăng trưởng thị phần. Nguyên nhân là hơn nửa năm đầu 2023, mẫu xe Honda ngưng nguồn cung để chờ bản mới ra mắt vào tháng 10 năm đó. Với Tucson, bản nâng cấp dự kiến ra mắt vào cuối 2024 khiến các mẫu hiện hành được khuyến mãi mạnh, doanh số vì thế gia tăng.

Kia Sportage vẫn bán chậm, giảm 24% doanh số so với nửa đầu 2023, xếp kề cuối trong thứ tự doanh số các mẫu xe. Khi bước sang thế hệ mới với ngôn ngữ tạo hình cắt xẻ, phức tạp, cả Tucson và Sportage đều khó tiếp cận khách Việt hơn so với trước đó.

Trong số các mẫu xe tham chiến ở phân khúc này, Mitsubishi Outlander là cái tên sụt giảm doanh số nhiều nhất, 47%. Outlander nhiều năm qua vẫn vậy, không có thế hệ mới, các nâng cấp về phom dáng và trang bị cũng ít. Khi tầm ảnh hưởng của CX-5 gia tăng và thêm sự xuất hiện của Territory, thị phần của Outlander càng bị thu hẹp.

Sau nửa đầu 2024, doanh số phân khúc CUV cỡ C nói chung giảm nhẹ 4%. Ngoài những mẫu xe kể trên, phân khúc còn có nhiều mẫu khác như Subaru Forester, Volkswagen Tiguan, VinFast VF 7..., nhưng hãng không công bố số liệu bán hàng.

Phạm Trung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.