Quản lý nhà nước về kinh doanh xuất khẩu gạo: Hai mục đích nên tập trung nhắm tới
Ảnh minh họa |
Giảm rào cản kinh doanh mang đến lợi ích kinh tế và an sinh xã hội
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cộng đồng DN Việt bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sửa đổi các quy định bất cập tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP để loại bỏ các rào cản không cần thiết, đặc biệt là các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với mặt hàng gạo của Việt Nam.
Theo đó, việc giảm các rào cản kinh doanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà cả các vấn đề an sinh xã hội. Thứ nhất, khi có thêm nhiều các DN gia nhập thị trường xuất khẩu gạo thì sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam trên thế giới. Các DN mới gia nhập thị trường sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường mới, hoặc các phân khúc thị trường chưa được tiếp cận. Điều này sẽ làm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó tăng cơ hội để có thể xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Thứ hai, việc tồn tại ổn định các DN trên thị trường (không có DN mới gia nhập, và cũng không có DN rút khỏi thị trường) sẽ làm tăng nguy cơ của những thỏa thuận ngầm nhằm “phân chia địa bàn” thu mua lúa gạo. Việc hạ các điều kiện gia nhập thị trường sẽ giúp người nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn khi bán gạo của mình cho các DN xuất khẩu, từ đó nâng cao vị thế của nông dân trong việc đàm phán giá bán, tránh bị ép giá như thời gian qua.
Do đó, việc sửa đổi Nghị định 109 theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh xuất khẩu gạo là rất cần thiết. Dự thảo Nghị định đã thể hiện rất rõ tinh thần này bằng việc đơn giản hóa rất nhiều các điều kiện đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Cùng với việc bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, việc sửa đổi Nghị định 109 được kỳ vọng sẽ giúp ngành lúa gạo của Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới.
“Đối với mặt hàng lúa gạo, các biện pháp quản lý của Nhà nước, nếu có, chỉ nên nhằm vào hai mục đích: (1) dự trữ lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực; và (2) liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề khác nên để thị trường tự quyết định sẽ mang lại hiệu quả cao hơn” – VCCI bày tỏ.
Kho chuyên dùng: phải sở hữu hay chỉ cần có quyền sử dụng?
Điều 4.1.a của dự thảo yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải “có kho chuyên dùng để chứa thóc gạo và cơ sở xay xát thóc gạo phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành; bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm”.
Theo quan điểm của VCCI, quy định DN phải có cơ sở xay xát gạo không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực. Giả sử trong trường hợp mất an ninh lương thực, việc huy động các máy xay xát (cả quy mô công nghiệp, quy mô hộ gia đình, loại cố định hay di động) để phục vụ xay xát thóc gạo là việc tương đối đơn giản. Do đó, đơn vị này đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có cơ sở xay xát thóc gạo.
Dự thảo hiện đang sử dụng cụm từ “có kho chuyên dùng”, và từ “có” ở đây có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như: có quyền sở hữu chủ duy nhất, hoặc có quyền đồng sở hữu chủ, hoặc có quyền sử dụng… “Về vấn đề này, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách là cơ quan nhà nước nắm được thông tin về năng lực kho chứa của DN và kho đó được sử dụng để dự trữ thóc gạo” – VCCI nhận định – “Mấu chốt của vấn đề nằm ở quyền sử dụng kho của DN. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu DN có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng, và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho”.
Vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất: mang tính hỗ trợ chứ không là điều kiện bắt buộc
Từ năm 2002, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (sau thay thế bằng Quyết định 62/2013/QĐ-TTg) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, với nhiều nội dung ưu đãi, hỗ trợ dành cho các DN có liên kết với nông dân gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản.
VCCI đồng tình với quan điểm chính sách tại Quyết định 62 về liên kết giữa nông dân và DN ở mức độ ưu đãi, hỗ trợ, chứ không phải ở mức độ bắt buộc. Nói cách khác, nếu DN có sự liên kết với nông dân thì sẽ được hưởng các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước, chứ đó không phải là cơ sở để cấp quyền hay cấm đoán một hoạt động kinh doanh.
“Nếu quy định bắt buộc như dự thảo sẽ khiến cho nhiều DN không thể xuất khẩu, mặc dù DN đó có cơ hội để mua gạo của nông dân và bán cho nước ngoài. Nói cách khác, quy định này sẽ làm giảm cơ hội, thu hẹp thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân Việt Nam. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất tại Điều 4 của dự thảo” – văn bản của VCCI gửi Bộ Công Thương nêu...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/