PVC thua lỗ triền miên, kịch bản cổ phiếu PVX thoát án huỷ niêm yết còn có thể tái lập?
Rót vốn tràn lan vào các công ty liên doanh, liên kết, chi tiêu vô tội vạ đã khiến PVC từ một đơn vị mạnh của ngành dầu khí trở thành "gánh nặng" với những dự án đầy tai tiếng. (Ảnh: Tiền Phong)
Rót vốn tràn lan vào các công ty liên doanh, liên kết, chi tiêu vô tội vạ đã khiến PVC từ một đơn vị mạnh của ngành dầu khí trở thành "gánh nặng" với những dự án đầy tai tiếng. (Ảnh: Tiền Phong)
Lỗ thêm gần 80 tỉ đồng trong quí III/2019, lỗ lũy kế ăn mòn gần hết vốn chủ sở hữu
Báo cáo tài chính quí III/2019 của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC -Mã: PVX) cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 518,3 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kì năm trước. Mặc khác, giá vốn hàng bán ăn mòn gần hết doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm tới 69,5% xuống còn 0,5 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp theo đó chỉ còn vỏn vẹn 0,1%.
Cùng với hoạt động kinh doanh cốt lõi, hoạt động tài chính cũng cho thấy sự đi xuống khi doanh thu tài chính giảm 48,2% xuống 5,7 tỉ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 58,4% lên 35 tỉ đồng khiến PVX chịu lỗ 29,3 tỉ đồng từ mảng này. Trong đó, công ty vẫn phải trả gần 17 tỉ đồng chi phí lãi vay mặc dù đã giảm 33,5% so với cùng kì năm trước.
Kết quả, dù tiết giảm được một phần chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp, PVX vẫn lỗ thêm gần 79 tỉ đồng trong quí III; trong đó lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 59,2 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của công ty giảm 26,6% xuống còn 1.623 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động xây lắp đóng góp 1.152 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất với 71%; tuy nhiên đây lại là mảng kinh doanh khiến PVX lỗ gộp 68 tỉ đồng.
Hai mảng bất động sản và cung cấp dịch vụ tuy chiếm tỉ trọng nhỏ hơn nhưng mang về lợi nhuận gộp lần lượt 13 tỉ đồng và 31 tỉ đồng. Còn lại, mảng sản xuất công nghiệp và các mảng khác chiếm tỉ trọng không đáng kể.
Cơ cấu doanh thu của PVX trong 9 tháng đầu năm 2019. Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC quí III/2019.
Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến PVX lỗ gộp 20,8 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, hoạt động tài chính kém tích cực cùng gánh nặng từ các loại chi phí khác đẩy mức lỗ sau thuế lên 190,9 tỉ đồng, cao hơn 6,7% so với mức mức lỗ 179 tỉ đồng cùng kì năm trước.
Trong đó, công ty mẹ chịu lỗ 117,2 tỉ đồng, nâng tổng mức lỗ lũy kế lên tới 3.805 tỉ đồng, ăn mòn đến 95,1% vốn góp của chủ sở hữu, giá trị 4.000 tỉ đồng.
Nguy cơ đối diện án hủy niêm yết, kịch bản năm 2014 có lặp lại?
Theo qui định về việc huỷ bỏ niêm yết, chứng khoán của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Đối với PVX, công ty đã thua lỗ hai năm liên tiếp trước đó với mức lần lượt 416 tỉ đồng năm 2017 và 414 tỉ đồng năm 2018. Nếu tiếp tục thua lỗ trong năm nay, PVX sẽ khó thoát khỏi án hủy niêm yết.
Trong quá khứ, doanh nghiệp này đã từng một lần thoát khỏi cảnh hủy niêm yết vào năm 2014. Cụ thể, năm 2012 và 2013 PVX lỗ sau thuế lần lượt 1.847 tỉ đồng và 2.228 tỉ đồng.
Đến 9 tháng đầu năm 2014, PVX tiếp tục lỗ thêm 258 tỉ đồng, tuy nhiên đã thoát lỗ thần kì trong quí IV nhờ thu lãi tiền gửi ngân hàng và hoàn nhập dự phòng, qua đó tránh được cảnh hủy niêm yết với lợi nhuận cả năm 2014 vỏn vẹn 10 tỉ đồng, cũng là mức thấp nhất trong các năm có lãi trong vòng 10 năm trở lại đây.
Một động tác nhằm hạch toán lợi nhuận tài chính của PVC là giảm tỷ lệ sở hữu tại các thành viên đang thua lỗ (nguồn: BCTC 2014)
Bằng cách thực hiện việc giảm vốn tại công ty con thua lỗ, PVC ghi nhận số lãi khủng 414 tỉ đồng từ hoạt động tài chính trong năm 2014, qua đó giúp cổ phiếu PVX thoát án huỷ niêm yết bắt buộc.
Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC.
So sánh với thời điểm hiện tại, trong 9 tháng đầu năm nay, con số lỗ sau thuế tiếp tục là 191 tỉ đồng, như vậy để thoát án hủy niêm yết PVX bắt buộc phải lãi sau thuế trên 191 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm, một điều rất khó thực hiện nếu nhìn trên con số lợi nhuận theo quí trong 3 năm trở lại đây.
Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC.
Cụ thể, tính từ đầu năm 2017, PVX chỉ có 4 quí hoạt động có lãi với mức cao nhất chỉ là 26 tỉ đồng vào quí I/2018. Cùng với đó, điểm rơi lợi nhuận thường vào quí I và quí II hàng năm, trong khi hai quí cuối năm công ty thường ghi nhận mức lỗ khá lỡn lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Trong quí IV/2017, PVX lỗ sau thuế lên tới 372 tỉ đồng; đến quí IV/2018 lỗ sau thuế cũng ghi nhận ở mức 131 tỉ đồng. Như vậy, liệu PVX có ngược dòng ngoạn mục để thoát lỗ và tránh khỏi cảnh hủy niêm yết trong năm nay hay không vẫn cần thêm thời gian để có câu trả lời.
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn mất cân đối trầm trọng, kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của PVX
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của PVX ở mức 9.959 tỉ đồng, giảm 6,6% so với thời điểm đầu năm; trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 76,3% với 7.605 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn cũng lên tới 7.997 tỉ đồng, chiếm tới 80,3% trong cơ cấu nguồn vốn và vượt quá tài sản ngắn hạn 392 tỉ đồng, nói cách khác công ty đang thiếu hụt nguồn vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn là 392 tỉ đồng, dẫn đến những rủi ro về khả năng thanh toán trong ngắn hạn.
Đáng lo hơn, tài sản của PVX cũng tập trung chủ yếu vào các tài sản kém thanh khoản như hàng tồn kho và các khoản phải thu với chiếm tỷ trọng lần lượt gần 35% và 33% trong cơ cấu tài sản.
Đặc biệt là phần lớn tài sản này thiếu tính chắc chắn nghiêm trọng đã nhiều lần bị phía kiểm toán đưa ra trong báo cáo kiểm toán thường niên. Trong khi các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ ở mức 482,7 tỉ đồng và 209,2 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng lần lượt 4,8% và 2,1%.
Nguồn: BCTC quí III/2019 của PVX.
Trước đó, trong BCTC bán niên 2019 đã soát xét, phía kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã có ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của PVX. Theo Deloitte, PVX thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, cùng với đó nợ quá hạn thanh toán đã lên tới trên 1.000 tỉ đồng.
Đến ngày lập BCTC giữa niên độ 2019, PVX vẫn chưa có nguồn tiền để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và quá hạn, phía kiểm toán cũng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp về khả năng trả nợ của PVX do đó không thể xác định liệu BCTC được lập với giả định PVX vẫn hoạt động liên tục có phù hợp hay không.
Về phía PVX, ban lãnh đạo công ty cho biết đã đưa ra những định hướng và giải pháp khắc phục bằng việc rà soát những vấn đề còn tồn đọng nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, khôi phục và ổn định hoạt động SXKD.
Theo định hướng phát triển hoạt động xây lắp, PVX có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại các đơn vị không thuộc chuỗi hoạt động ngành nghề chính để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty xây dựng kế hoạch chi tiết việc thu hồi, xử lí công nợ theo từng tháng, từng quí nhằm thu hồi vốn cho hoạt động SXKD, đồng thời giảm chi phí tài chính do bị chiếm dụng vốn.
Ngoài ra, PVX cũng cho hay đang cố gắng làm việc với ngân hàng, các tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất vay vốn và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động SXKD.
Theo qui định về huỷ bỏ niêm yết chứng khoán của công ty đại chúng tại Điều 60, mục 1, chương V của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, các trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc bao gồm:
- Tổ chức niêm yết tại Sở GDCK không đáp ứng được các điều kiện niêm yết;
- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ một năm trở lên;
- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;
- Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở GDCK trong thời hạn 12 tháng;
- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
- Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động;
- Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn;
- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết;
- Tổ chức được chấp thuận niêm yết không tiến hành các thủ tục niêm yết tại Sở GDCK trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết;
- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
- UBCK, Sở GDCK phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết hoặc hồ sơ niêm yết chứa đựng những thông tin sai lệch nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư;
- Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở GDCK hoặc UBCK xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.