Phương Tây xua đuổi Huawei, nhưng châu Phi chào đón họ
Mới đây Rain, nhà cung cấp dữ liệu di động tại Nam Phi, đã hợp tác với Huawei để xây dựng mạng 5G thương mại đầu tiên. Cũng tại Nam Phi, Huawei đã kết hợp với hãng viễn thông MTN Group để cung cấp 5G ở một số thành phố, như Johannesburg, Cape Town, Bloemfontein và Port Elizabeth.
Safaricom, hãng viễn thông lớn nhất ở Kenya, bắt đầu thử nghiệm các công nghệ Internet di động mới nhất của Huawei và có thể thương mại hóa chúng ngay trong năm nay.
Vài quốc gia châu Phi khác, gồm Lesotho, Ai Cập, Nigeria, Uganda, Senegal, Maroc, Congo và Gabon, đều thử nghiệm 5G hoặc bắt đầu triển khai 5G thương mại ở các mức độ khác nhau.
Các chính phủ phương Tây đang xem Huawei là nguy cơ đối với an ninh và ngừng hợp tác. Tháng trước, chính phủ Anh, dưới sức ép của Mỹ, đã đảo ngược quyết định hồi đầu năm, không để công ty Trung Quốc xây dựng mạng viễn thông tại đây.
Mỹ cũng thúc ép các đồng minh khác, gồm Australia, Canada và New Zealand, loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng viễn thông.
Ngược với phương Tây, châu Phi lại chọn tin tưởng sản phẩm của Huawei. Năm ngoái, Tổng thống Cyril Ramaphosa của Nam Phi nói rằng nước này sẽ chọn Huawei để triển khai 5G, đồng thời cũng chỉ trích chính phủ Mỹ.
"Mỹ đã tụt hậu khá xa nên giờ đây họ phải chọn cách trừng phạt Huawei và sử dụng tập đoàn như một con tốt trong cuộc chiến với Trung Quốc", ông Ramaphosa nói. "Chúng tôi muốn có 5G và chúng tôi biết doanh nghiệp mà Nam Phi nên hợp tác".
Năm ngoái, Joseph Mucheru, bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và Công nghệ Kenya, tuyên bố đất nước của ông sẽ không chịu ảnh hưởng bởi những quyết định từ Washington.
"Mọi chính sách liên quan đến công nghệ của chúng tôi không bị tác động bởi Mỹ. Chúng tôi sẽ chọn những gì tốt nhất cho quốc gia".
Giới quan sát nhận định, khi châu Phi chưa thoát khỏi khó khăn về nguồn vốn, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông chính. Dưới tác động kinh tế do COVID-19, sự phụ thuộc càng tăng.
"Cùng với khả năng tài chính và độ tin cậy vào Huawei ở mảng viễn thông, châu Phi vẫn tiếp tục có mối liên hệ mật thiết với công ty Trung Quốc này", nhà phân tích Peter Wanyonyi nhận xét.
Wanyonyi lí giải rằng phương Tây luôn lo ngại Huawei thực hiện các hoạt động gián điệp và cáo buộc họ liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Nhưng vấn đề ấy không phải là mối quan tâm của châu Phi.
Adam Lane, Giám đốc cấp cao về các vấn đề công của Huawei tại Kenya, nói rằng những sức ép từ phía Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng ở châu Phi. Huawei sẵn sàng cung cấp thiết bị 5G cho các nhà khai thác viễn thông châu Phi ngay khi họ sẵn sàng.
Thiết bị 4G của Huawei đang hiện diện tại hơn một nửa châu Phi - 40 trong số 54 quốc gia, kể từ khi tập đoàn đến châu Phi năm 1998.
Derrick Chikanga, nhà phân tích tại công ty tư vấn công nghệ thông tin Africa Analysis, nhận định rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với hầu hết quốc gia châu Phi, khiến việc cắt đứt liên kết kinh doanh với Huawei gần như là không thể.
Huawei hiện đóng vài trò cực kỳ quan trọng trong "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) trị giá hàng tỷ USD do Trung Quốc khởi xướng. Họ đang giúp Bắc Kinh củng cố sự hiện diện tại châu Phi bằng các dự án quy mô lớn, như xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cho tuyến đường sắt Standard Gauge trị giá 4,7 tỉ USD ở Kenya, chạy từ thành phố cảng ven biển Mombasa đến thủ đô Nairobi.
Nhà phân tích Roger Entner, sáng lập của công ty nghiên cứu Recon Analytics, đánh giá châu Phi sẽ vẫn là thị trường quan trọng đối với Huawei bởi đây là châu lục nhận BRI lớn.
"Các nước nghèo tại châu Phi vẫn sẽ coi trọng các giải pháp chi phí thấp kèm dịch vụ khách hàng tốt, hơn là những vấn đề khác", Entner nói.
Dù vậy, Huawei cũng từng gây một số tranh cãi tại châu Phi. Năm 2018, tờ Le Monde của Pháp đưa tin tập đoàn đã nghe lén trụ sở của Liên minh châu Phi ở Addis Ababa (Ethiopia).
Năm ngoái, Wall Street Journal đưa tin Huawei đã giúp chính phủ Uganda và Zambia do thám các đối thủ chính trị. Huawei bác bỏ mọi cáo buộc.