|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phương kế nào giúp ĐBSCL đối phó với hạn mặn

15:31 | 28/02/2020
Chia sẻ
Mùa khô năm nay đang nóng hơn mọi năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vì sự khô hạn lịch sử trong gần 100 năm qua. Mực nước sông Mêkông từ thượng nguồn hiện xuống rất thấp so với nhiều năm trước.
Phương kế nào giúp ĐBSCL đối phó với hạn mặn - Ảnh 1.

Giữa mùa hạn mặn (2020), nông dân vùng ven biển ở cù lao Hòa Minh, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nuôi tôm kết hợp làm du lịch như một chọn lựa giải pháp “thuận thiên”. Ảnh: Hòa Hội

Đã biết từ sớm

Thật ra, khả năng khô hạn này đã được ghi nhận và cảnh báo từ mùa mưa năm 2019, trong hai tháng đầu mùa mưa, vũ lượng rất thấp, chỉ bằng 60% so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân chính là năm 2019 hiện tượng El Nino xuất hiện với mức độ cao trên toàn vùng Đông Nam Á.

Vào ngày 29-10, Lào đóng đập thủy điện Xayabury để chính thức đi vào hoạt động thương mại. Lúc đó, nông dân Thái Lan thấy mực nước sông Mêkông chảy qua đoạn Đông Bắc của họ thấp hơn thường kỳ khoảng 3 mét và dân làng lúc đó đã dùng cụm từ “hạn hán giữa mùa mưa lũ”.

Tương tự, người dân Campuchia khu vực sông Tonle Sap đã kinh ngạc khi thấy mực nước Biển Hồ, khu vực chứa nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, xuống quá thấp, nhiều thuyền đánh cá phải neo lại, sản lượng cá đánh bắt ít chưa từng thấy.

Giữa mùa mưa 2019, nhiều nhà khoa học ở vùng châu thổ đã khuyến cáo vụ canh tác đông xuân 2019-2020 sẽ thiếu nước nghiêm trọng và có nhiều khả năng vượt kỷ lục hạn-mặn năm 2016. 

Điều dự báo này thấy rõ rất sớm, ngay từ tháng 12-2019 khi mùa mưa vừa chấm dứt, nước mặn có nồng độ 4 gam/lít đã đi sâu vào sông Hàm Luông tới 57 ki lô mét, từ ngày 12 đến ngày 15-12-2019.

Mức nhiễm mặn sâu này đã vượt 17 ki lô mét so với năm 2015. Đến ngày 16-2-2020, dòng nước mặn theo đợt triều cường đã vào sông Hàm Luông đến 75 ki lô mét. Tương tự, các nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông và các sông đổ ra biển Tây, mặn đã đi vào rất sâu so với năm 2016.

Xâm nhập mặn năm 2020 có ba đặc điểm đáng lưu ý so với năm hạn-mặn 2016: (i) mặn đến sớm hơn (gần 1 tháng), (ii) đi vào nội địa sâu hơn (từ 2-11 ki lô mét tính đến thời điểm hiện nay), (iii) nồng độ mặn cao hơn ở các điểm đo vùng ven biển.

Thành phố Cần Thơ là địa phương hầu như không bị nhiễm mặn trong gần 300 năm nay. Tuy nhiên, năm 2016 nước mặn có nồng độ 2 phần ngàn (2 ‰) đã chạm đến quận Cái Răng, và ngày 10-2 vừa qua, nước mặn đo được tại cảng Cái Cui (quận Cái Răng) là 3,5 ‰. Nguy cơ xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng 3 và tháng 4 tới.

Và chủ động đối phó

Phương kế nào giúp ĐBSCL đối phó với hạn mặn - Ảnh 2.

Cuối mùa mưa năm 2019, các thùng chứa nước mưa đã được Hội Hướng đạo Việt Nam kịp thời cung cấp miễn phí cho bà con ở ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Xâm nhập mặn gây nhiều khó khăn cho sinh kế (trồng trọt, chăn nuôi) và đời sống (cấp nước) của người dân ven biển và vùng lân cận. Tuy nhiên, nhờ rút được bài học hạn-mặn năm 2016 nên năm 2020 dù hạn-mặn gay gắt hơn nhưng phần thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã bị hạn chế. Các biện pháp hạn chế thiệt hại bao gồm:

- Nhiều địa phương đã nghe cảnh báo của chuyên gia và ngành nông nghiệp tận dụng mực nước lũ thấp đã chủ động xuống giống vụ đông xuân từ đầu tháng 10-2019, sớm hơn mọi năm từ 1-2 tuần, sử dụng giống lúa ngắn ngày nên đến nay các diện tích này kịp thu hoạch.

Các nơi xuống giống trễ hơn, vào tháng 11-2020, thì đang tận dụng nguồn nước ngọt còn giữ được để cầm cự, đã qua giai đoạn trổ và chờ đến lúc thu hoạch. Chỉ ở những nơi xuống quá trễ, từ tháng 12-2019 về sau, thì có nguy cơ bị thiệt hại một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, diện tích bị thiệt hại ít hơn năm 2016.

- Đối với các vườn cây, nương rẫy, bà con biết cách be gốc, nạo vét kênh mương trữ nước, dùng vật liệu phủ (màng nylon, bèo cỏ...) nên thiệt hại không đáng kể.

- Nhiều nơi đã biết trữ nước vào cuối mùa mưa (bằng kênh mương, lu/thùng nước...) nên còn giữ được nước ngọt để đối phó cho những tháng tới. Một số địa phương bắt đầu làm các công trình trữ nước ngọt, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn có thể sử dụng một phần. Tuy nhiên, trong các tháng tới, có thể một số nơi phải “tiếp cứu” nước ngọt cho các vùng ven biển.

Một điều trong quá khứ đáng lưu ý, đó là vào tháng 3-2016 Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc tăng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng từ mức 1.100 mét khối/giây lên mức 2.190 mét khối/giây, để cứu hạn cho vùng hạ lưu. 

Nhiều nông dân khi đó nghe tin này đã vội sạ lúa tiếp để bù cho diện tích lúa bị chết do hạn mặn với hy vọng nước về nhiều hơn.

Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi vì nước từ thủy điện Cảnh Hồng đã đến ĐBSCL gần như không đáng kể. Hậu quả là nông dân thiệt hại thêm, trong khi Trung Quốc lại lấy chuyện này để tuyên truyền thiện chí chia sẻ nguồn nước trên lưu vực sông Mekong.

Năm nay, Chính phủ Việt Nam không yêu cầu phía Trung Quốc xả nước nữa mà chính Trung Quốc lại chủ động tuyên bố tăng mức xả nước đập Cảnh Hồng từ 850 mét khối/giây lên 1.000 mét khối/giây để “nhằm giải quyết phần nào nhu cầu cấp bách của các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mêkông”. 

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm bài học từ năm 2016, nông dân đã không tin tưởng nên không có chuyện người dân tăng diện tích gieo sạ.

Phải tính kế lâu dài

Phương kế nào giúp ĐBSCL đối phó với hạn mặn - Ảnh 3.

Hầu hết hàng sao ở thành phố Cần Thơ đã trổ bông từ đầu tháng 2-2020 như một dấu hiệu sinh học chỉ báo mùa mưa 2020 có thể đến sớm. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Đề xuất hiện nay là các địa phương không nên tính đến chuyện ồ ạt “giải cứu” cây trồng do hạn mặn vì việc này chỉ tốn thêm nguồn nước, kinh phí, năng lượng, công sức mà hiệu quả và sản lượng sẽ không đáng kể, thậm chí mất trắng. Nguồn nước còn lại nên ưu tiên để dành cho việc cấp nước sinh hoạt, nếu còn thừa thì dùng cho chăn nuôi (trâu bò, heo, gà).

Không cần kêu gọi người dân tiết kiệm nước vì thực sự người dân đã biết chắt chiu từng mét khối nước ngọt. Cái chính là cần cho người dân ý thức trong việc bảo vệ chất lượng nước (không sử dụng, lạm dụng nông dược bừa bãi, không vứt xả rác thải, chất thải người và gia súc xuống nguồn nước...); hạn chế việc khoan rút nước ngầm.

Bên cạnh đó, nên tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng phòng chống thiên tai để làm những vùng trữ nước trong nội đồng, mương vườn và các bồn trữ nước cho cộng đồng. 

Không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình quá lớn như cống đập chặn sông, vừa lãng phí, kém hiệu quả, vừa tác hại lớn cho môi trường và tính đa dạng sinh học. Việc tiếp tục đầu tư hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng là cần thiết.

Hiện nay, theo Trung tâm Dự báo khí hậu (Climate Prediction Center - NCEP) của Mỹ, hiện tượng ENSO vùng Bắc bán cầu đã ở trạng thái trung tính, nhiệt độ vùng mặt biển Thái Bình Dương đang ở mức cận đến trên trung bình. 

Ở vùng ĐBSCL đã xuất hiện một số trận mưa rải rác, một số chỉ dấu sinh học như cây sao ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng đã trổ bông khá sớm. Dự báo năm 2020 có khả năng mùa mưa đến sớm và lượng mưa sẽ cao hơn năm trước.

Lê Anh Tuấn