|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản xuất lúa vùng ĐBSCL dần thích ứng với thời tiết cực đoan

20:45 | 29/05/2020
Chia sẻ
Các địa phương vùng ĐBSCL cần có những biện pháp để ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi đã được ngành chuyên môn dự báo.

Ngày 29/5 tại Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm nay tại các tỉnh, thành khu vực nam Bộ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ Hè Thu trên địa bàn tỉnh xuống giống hơn 187.000 ha, những diện tích Hè Thu sớm đã thu hoạch hơn 43.000 ha, sản lượng ước đạt trên 6 tấn/ha.

Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu của địa phương tăng 20% so với cùng kỳ, giá bán ổn định, người dân có lãi. Dự kiến, vụ lúa Thu Đông địa phương sẽ xuống giống khoảng 100.000 - 120.000 ha, tập trung vào những giống lúa chất lượng cao.

“Đồng Tháp hàng năm xả lũ để lấy phù sa mấy chục ngàn ha nên sản xuất nông nghiệp ưu tiên cho vùng phía Bắc có cơ cấu thuận lợi nhất. 

Vùng ngập sâu chỉ sản xuất 2 vụ, hoặc 3 vụ nhưng phải luân phiên diện tích để đảm bảo không gian trữ và thoát lũ cho khu vực hạ lưu của các tỉnh. 

Khu vực phía Nam của Đồng Tháp sẽ được điều hành theo mùa vụ, cố gắng thu hoạch vụ Thu Đông trước lũ chính vụ và xuống giống vụ Đông Xuân để thu hoạch trước tết Âm lịch”, ông Hùng cho biết.

Sản xuất lúa vùng ĐBSCL dần thích ứng với thời tiết cực đoan - Ảnh 1.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện vụ Hè Thu và triển khai kế hoạch vụ Thu Đông vùng Nam Bộ.

Báo cáo của Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho thấy, hạn mặn lịch sử năm 2020 đã gây khó khăn cho các địa phương trong vùng trong việc triển khai xuống giống vụ Hè Thu. 

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của các địa phương đến nay diện tích lúa Hè Thu đã xuống giống theo đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống thơm, đặc sản chiếm hơn 73%, còn chất lượng trung bình và nếp chiếm hơn 26%. 

Vụ lúa Hè Thu năm 2020 tại ĐBSCL đã xuống giống hơn 1,2 triệu ha trên 1,54 triệu ha, giảm hơn 23.000 ha so với vụ Hè Thu năm 2019.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng cục trồng trọt cho biết, giữa tháng 6 này sẽ xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu ở ĐBSCL, hiện nay những trà lúa Hè Thu sớm đã bắt đầu thu hoạch, dự kiến vụ Hè Thu sẽ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9, năng suất ước đạt trên 8,7 tấn.

Ông Tùng thông tin thêm, đối với vụ lúa Hè Thu sau khi tính toán lượng tiêu thụ trong nước thì sẽ còn khoảng 2,5 triệu tấn gạo phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Theo Cục trồng trọt, cánh đồng lớn ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn duy trì từ 140.000 - 150.000 ha, mỗi ha tham gia cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất từ 10% - 15%, giá trị sản lượng tăng từ 20%- 25% và người dân có lãi thêm từ 2,2 - 7,5 triệu/ha. 

Đối với vụ lúa Thu Đông, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ xuống giống theo kế hoạch khoảng 800.000 ha, tăng hơn 75.000 ha.

“Kế hoạch xuống giống cũng như cơ cấu giống ở các vùng thượng, vùng giữa và vùng hạ được tính toán sát với thực tế. 

Riêng đối với vùng ven biển sẽ tiếp tục được rửa mặn một cách khẩn trương, hi vọng thời vụ tại vùng ven biển sẽ đúng như dự báo của các cơ quan chuyên môn vào khoảng nửa đầu tháng 6 năm nay. 

Kế hoạch này cũng hoàn toàn phù hợp với tính toán cho vụ Thu Đông cũng như vụ Đông Xuân 2020 – 2021”, ông Tùng cho biết thêm.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu, những diện tích lúa Hè Thu chưa xuống giống phải đảm bảo kế hoạch đề ra, đảm bảo diện tích lúa không thay đổi. 

Đồng thời, các địa phương phải bám sát đồng ruộng, không để xảy ra dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sản lượng lúa.

Sản xuất lúa vùng ĐBSCL dần thích ứng với thời tiết cực đoan - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu, những diện tích lúa Hè Thu chưa xuống giống phải đảm bảo kế hoạch.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần có những biện pháp để ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi đã được ngành chuyên môn dự báo. 

Đặc biệt, vụ Hè Thu diễn ra trong mùa mưa nên cần thu hoạch sớm, không nên để lâu trên đồng ruộng. Đến thời điểm này, đã có hơn 100.000 ha lúa Hè Thu sớm đã thu hoạch, giá bán ổn định, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận của người dân tăng cao.

Về vụ lúa Thu Đông, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho rằng, đối với những vùng đã thu hoạch lúa Hè Thu sớm, các địa phương cần nhanh chóng xuống giống vụ Thu Đông, đảm bảo đúng lịch thời vụ, tuân thủ theo dự báo của ngành chức năng để thực hiện. 

Bên cạnh đó, cơ cấu giống theo phân khúc thị trường, những giống lúa chất lượng cao, đặc sản để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

“Bộ NN&PTNT đã chốt cho các tỉnh đã rà soát bước đầu là 800.000 ha, nhưng với điều kiện phải có giải pháp an toàn tuyệt đối về mặt thời vụ. 

Tại những vùng có lúa Hè Thu đang thu hoạch, cần cố gắng đẩy sớm thời vụ vụ Thu Đông để đảm bảo an toàn đón lũ, tạo điều kiện đẩy nhanh vụ Đông Xuân sớm”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ rõ.

Phạm Hải