Nắng hạn kéo dài, cây ăn quả ở Cà Mau thiệt hại
Gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh (ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) có 1 ha đất trồng giống ổi Đài Loan. Khoảng 2 tháng qua, các kênh thủy lợi trên địa bàn kiệt nước nên vườn cây ăn trái của gia đình bị thiếu nước tưới.
Đến thời điểm hiện tại vườn ổi của ông Thịnh lá đã bị héo úa, còn cây nào ra trái thì hư hại không cho thu hoạch. Gia đình ông Thịnh đã chủ động cắt bỏ bớt cành, nhánh nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng cây bị chết.
“Nước tưới thì dùng nước sông. Năm nay tình hình hạn hán gay gắt, nước sông khô hạn quá nên tổn thất nhiều. Cây chết quá, không cứu nổi, phải bỏ” - ông Thịnh nói.
Đây là thực trạng chung của các nhà vườn trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời. Từ trước đến nay, chưa năm nào bà con trồng cây ăn trái địa phương gặp khó khăn như hiện nay.
Vườn cam của gia đình ông Tô Văn Phú (ở xã Khánh Hưng) mới trồng được 2 năm nhưng cũng bị thiệt hại nặng do thiếu nước tưới.
“Vườn cam của tôi khoảng 7.000 gốc. Năm nay là năm thứ 2, chưa được thu hoạch nhưng nắng nóng, khô hạn gây thiệt hại nặng, nhiều cây chết” - ông Phú cho biết.
Để hạn chế thiệt hại, chính quyền địa phương khuyến cáo nhà vườn triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng trong mùa khô hạn như: chủ động nguồn nguyên liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô…) để phủ gốc giữ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn để giảm nhu cầu cấp nước cho cây.
Ông Lê Thanh Nhì, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng cho biết: “Vận động bà con cắt tỉa cành, chủ yếu giữ lại cây để chờ mưa xuống.
Không nên để trái nhiều do lượng nước hiện nay rất khan hiếm. Như ổi thì dễ nhưng cam với bưởi thì nên chọn cho ra hoa vào thời điểm phù hợp, có lượng nước đảm bảo cung cấp đủ cho cây”.
Hiện toàn bộ lượng nước trong các sông, rạch trong vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã khô cạn. Trong khi, dự báo tình hình nắng hạn có thể còn kéo dài, các nhà vườn cần triển khai các biện pháp theo khuyến cáo để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.