|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Động lực phát triển kinh tế từ giao thông

11:30 | 04/02/2023
Chia sẻ
Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng có điểm đầu giao với tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, tại Phường 3, thị xã Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, điểm cuối giao với đường Tỉnh 935 tại phường Khánh Hoà (thị xã Vĩnh Châu) xuyên qua tỉnh Sóc Trăng.

Với các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và của địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Kết quả, mạng lưới giao thông đường bộ đã bao phủ toàn tỉnh, với chiều dài trên 7.360 km, bao gồm các tuyến giao thông đối ngoại gồm 5 tuyến: Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 60 và Quốc lộ 61B dài hơn 260km; hệ thống giao thông đối nội gồm 17 tuyến đường tỉnh dài 425 km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài 6.670 km, đường thủy nội địa dài 2.980 km.

Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng có điểm đầu giao với tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, tại Phường 3, thị xã Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, điểm cuối giao với đường Tỉnh 935 tại phường Khánh Hoà (thị xã Vĩnh Châu) xuyên qua tỉnh Sóc Trăng.

Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, với tổng chiều dài tuyến trên 56,6 km, có tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương đối ứng. Dự án có 6 nút giao thông lớn (tại các vị trí giao với Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 1, đường Tỉnh 940, đường Tỉnh 936B, đường tỉnh 936 và đường tỉnh 935).

Theo ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng thông tin, quy mô đường cấp 4 đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/giờ; nền đường rộng 9m (gồm 2 làn xe cơ giới 7m; lề gia cố mỗi bên 0,5m; lề đất mỗi bên 0,5m), tải trọng thiết kế đối với đường có trục xe 10 tấn, Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng là một trong những tuyến đường giao thông quan trọng, nối liền các huyện, thị xã của tỉnh đến Cảng Trần Đề (huyện Trần Đề), tỉnh Sóc Trăng.

Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm thông tin, hiện tại, gói thầu nằm trên địa bàn thị xã Ngã Năm với chiều dài 9 km, giải phóng mặt bằng được địa phương thực hiện đúng theo quy định, bàn giao đúng tiến độ cho đơn vị thi công.

Ông Phong cũng nhận định, khi tuyến đường hoàng thành tạo điều kiện giao thương hàng hoá, thúc đẩy kinh tế giữa thị xã Ngã Năm với các địa phương khác trong tỉnh Sóc Trăng; ngoài ra, là điểm kết nối giao thương quan trọng của một phần của tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và Hậu Giang đến với cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Đối với Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường được quy hoạch nhằm kết nối các tỉnh phía Tây và phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long. Cao tốc này không chỉ là tuyến giao thông liên tỉnh mà còn là trục đường phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh trong khu vực.

Giai đoạn 1 của dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng (dự án thành phần 4) được giao cho Ban quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,4 km, tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào cuối tháng 6 năm 2023.

Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực, Sóc Trăng sẽ hưởng lợi rất lớn từ các dự án trọng điểm, như: Cảng Trần Đề; cầu Đại Ngãi và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng…

Riêng đối với việc chuẩn bị triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện đang được tỉnh thực hiện khẩn trương, việc giải phóng mặt bằng đến nay đã hoàn thành, đảm bảo theo tiến độ của địa phương đề ra.

Là địa phương có  tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua, Huyện uỷ - UBND huyện Mỹ Xuyên đang gấp rút chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng ở địa phương. Ông Đặng Văn Phương, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết, người dân địa phương rất vui mừng khi có tuyến đường bộ cao tốc này đi xuyên qua địa bàn huyện.

Sau khi được lãnh đạo tỉnh và đơn vị chủ đầu tư giao mốc giải phóng mặt bằng, địa phương sẽ quản lý chặt chẽ, không để cho người dân làm thay đổi hiện trạng, hiện địa phương đã phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đo đạc, kiểm đếm để tiến hành giải phóng mặt bằng nhanh nhất, sớm nhất, giao chủ đầu tư thực hiện dự án.

Với hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng đang được triển khai thực hiện, Sóc Trăng hy vọng sẽ sớm hoàn thiện hệ thống giao thông góp phần tạo động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, giao hàng hóa, kết nối giữa đô thị với nông thôn ngày càng thuận tiện hơn...

Tuấn Phi