|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua hạ tầng tại Đồng bằng sông Cửu Long

07:31 | 25/08/2022
Chia sẻ
So với các vùng lân cận, Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong việc kết nối hạ tầng. Trước bối cảnh đó, từ đầu năm đến nay, các địa phương tại ĐBSCL đang tích cực đẩy mạnh đầu tư, triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích hơn 39.000 km2. Khu vực này gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ và 12 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Những năm qua, hạ tầng giao thông khu vực này đã có nhiều chuyển biến với loạt dự án được xây dựng như mở rộng quốc lộ 1 đoạn Trung Lương - Cần Thơ; xây dựng cao tốc TP HCM - Trung Lương; tuyến đường Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp...

Nơi đây cũng đã có nhiều cầu lớn vượt sông trên quốc lộ 1, xây mới như cầu Mỹ Thuận vượt sông Tiền, cầu Cần Thơ vượt sông Hậu, cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với tỉnh Bến Tre.

Mặc dù vậy, so với những khu vực khác, hạ tầng giao thông, khả năng kết nối của ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế.

Mới đây, tại hội thảo “Xóa trắng” cao tốc, phát huy lợi thế đồng bằng sông Cửu Long do báo Thanh Niên tổ chức, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn là do trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên đầu tư xây dựng lớn.

Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với các khu vực khác. Đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế.

Trước bối cảnh đó, Bộ GTVT đã triển khai đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó, riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc đã hoạch định, đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180 km/9.014 km của cả nước; đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.

Về phía các địa phương, từ đầu năm, các dự án hạ tầng giao thông cũng ghi nhận nhiều chuyển động mới. Dưới đây là một số địa phương đã và đang tích cực tăng tốc trong cuộc đua hạ tầng thời gian qua, theo tổng hợp của người viết.

TP Cần Thơ

 

Cần Thơ hiện đang là địa phương có nhiều chuyển động hạ tầng nhất vùng ĐBSCL. Trong năm nay, Cần Thơ đã và sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp về việc phương án tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ thích ứng với biển đổi khí hậu tham gia chương trình DPO trên địa phận tỉnh Đồng Tháp.

Phương án 1 là từ vị trí giao quốc lộ 80 ở khu vực đông nam TP Sa Đéc, tuyến đi về phía tây, giao cắt đường tỉnh 835, sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai dự án KCN Vinashin và Bắc Mương Khai, vượt sông Hậu tại ví trí cạc phá Thới An - Phong Hòa khoảng 2,5 km về phía thượng lưu, thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn.

Tuyến tiếp đi về phía tây, giao quốc lộ 91 ở phía bắc cầu Ô Môn hiện tại, qua khu vực Viện lúa ĐBSCL, song song cách sông Ô Môn khoảng 2,5 km và song song với đường tỉnh 922E phía tây thị trấn Thới Lai để đi về phía Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69 km.

Phương án 2 là từ vị trí nút giao TP Sa Đéc với tuyến N1 quy hoạch (phía đông nam TP Sa Đéc), tuyến đi về phía tây nam, giao cắt quốc lộ 80 và đường tỉnh 852, sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai KCH Vinashin và Bắc Mương Khai, nhập vào hướng huyến của phương án 1. Chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 70 km.

Bên cạnh đó, theo quyết định mới phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang được triển khai trên địa phận quận Cái Răng, TP. Cần Thơ và các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. 

Giai đoạn hoàn chỉnh chính tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25 m; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; tuyến nối vận tốc thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư dự án là 10.370 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 7.002 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 7.260 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2027 gần 3.111 tỷ đồng.

Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Hồi đầu tháng 7, UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND TP Cần Thơ về việc thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm nay.

Trong đó, có 2 dự án hạ tầng giao thông lớn là đường Vành đai phía Tây TP Cần ThơĐT.921 đoạn tuyến thẳng. Tổng diện tích đất cần thu hồi cho 2 dự án này là 180 ha.

Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ có diện tích đất cần thu hồi trong năm nay là 157 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa 98 ha. Dự án này do Sở GTVT TP làm chủ đầu tư dự án, đi qua địa phận các quận Cái Răng; Ninh Kiều; Bình Thủy; Bình Thủy; Ô Môn và huyện Phong Điền.

Tổng mức đầu tư của dự án gần 3.838 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 829 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng. Thời gian thực hiện từ 2021 - 2026.

Đối với ĐT.921 đoạn tuyến thẳng, diện tích đất cần thu hồi trong năm nay là hơn 22 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa gần 19 ha. Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Dự án này có điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt, điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Đốc với mức vốn đầu tư là 871 tỷ đồng, với quy mô đường cấp III đồng bằng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024.

Cuối tháng 5 vừa qua, thành phố cũng đồng ý bố trí 1.061 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn Cần Thơ.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu tại nút giao tuyến tránh quốc lộ 91, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tổng chiều dài đoạn tuyến thuộc Dự án khoảng 188 km (tỉnh An Giang khoảng 57 km, TP Cần Thơ khoảng 37 km, tỉnh Hậu Giang khoảng 37 km và tỉnh Sóc Trăng khoảng 57 km).

 

Hồi cuối tháng 2, UBND TP Cần Thơ cũng đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C) giai đoạn 2, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.

Cụ thể, theo đề xuất của UBND TP Cần Thơ, tổng chiều dài tuyến qua địa bàn khoảng 10,2 km, bao gồm đoạn qua địa phận quận Cái Răng khoảng 1,7 km, đoạn qua địa phận huyện Phong Điền khoảng 8,5 km.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 889 tỷ đồng từ khoản vay hỗ trợ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, nguồn vốn vay lại và vốn đối ứng của địa phương.

Bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, Cần Thơ còn có dự án đường sắt trọng điểm là đường sắt TP HCM - Cần Thơ, hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải vừa có buổi làm việc với các tỉnh, thành về dự án này.

Đơn vị tư vấn đề xuất dự án sẽ có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối 6 tỉnh, thành, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng.

Mức vốn đầu tư sơ bộ cho dự án này dự kiến là 170.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 56.000 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 85.000 tỷ đồng.

Tỉnh Hậu Giang

 

Đối với Hậu Giang, cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, xây dựng các công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Dự án có chiều dài khoảng 111 km, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Hậu Giang đã triển khai đo đạc kiểm đếm sớm hơn kế hoạch, có thể đáp ứng được kế hoạch bàn giao 70% mặt bằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 11.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 64 km, ảnh hưởng 16 xã, thị trấn thuộc 4 huyện gồm Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ.

Tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua bố trí ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang).

Theo đó, đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang), duyệt bố trí ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự kiến kinh phí là 823 tỷ đồng. Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp, khởi công trong tháng 11/2022, dự kiến đợt 2 bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Bên cạnh đó, tỉnh dự kiến khởi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn qua tỉnh Hậu Giang) vào tháng 11 năm nay.

Dự án này có chiều dài 63,6 km gồm hai dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài 37 km, đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 26,6 km, qua 4 huyện Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ.

Hồi tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có văn bản chấp thuận UBND tỉnh Hậu Giang chuyển mục đích sử dụng 29,32 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đường tỉnh 926B.

Đường tỉnh 926B là dự án nhóm A có tổng mức đầu tư 1.569,2 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.

Chiều dài toàn tuyến là 30 km đi qua địa phận các huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang và huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Hồi tháng 2, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất đầu tư dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (nay là quốc lộ 61C), đoạn từ km10 + 200 (ranh giới giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) đến km47 + 352 (điểm cuối dự án quốc lộ 61C).

Theo đề xuất của tỉnh, dự kiến mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.888 tỷ đồng.

Tỉnh Sóc Trăng

 

Đối với tỉnh Sóc Trăng, tháng 6 vừa qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã nghe báo cáo về đề xuất dự án đường ven biển nối Trà Vinh, Bạc Liêu với tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2. 

Đây là công trình giao thông cấp II, có tổng chiều dài trên 85 km, tải trọng thiết kế đường trục xe 10 tấn; điểm đầu công trình bắt đầu từ cầu Mỹ Thanh 2 nối với quốc lộ Nam Sông Hậu và chạy dọc theo bờ biển thuộc địa phận TX Vĩnh Châu, điểm cuối nối vào tuyến đường hiện hữu nằm trên đê biển thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu. 

Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng là một trong ba địa phương có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn, hồi tháng 5, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Nghị quyết bố trí 1.000 tỷ đồng (tương đương 50%) để giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng có 5 công trình trọng điểm liên vùng là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, cầu Đại Ngãi và cảng Trần Đề.

Theo quy hoạch, cảng biển Trần Đề dự kiến có tổng diện tích 7.900 ha, 15 bến cảng, đê chắn sóng 10 km và cầu vượt biển ra cảng ngoài khơi dài 18 km. Quy hoạch giai đoạn 1 của cảng này gồm có cầu vượt, 7 bến cảng, đê chắn sóng 5,6 km với tổng diện tích khoảng 385 ha.

Còn cầu Đại Ngãi được Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư đường từ cầu đến quốc lộ 60 khoảng 1.390 tỷ đồng; cầu vượt biển ra cảng ngoài khơi ở cửa Trần Đề dài 18 km có vốn đầu tư khoảng 9.900 tỷ đồng, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 70% (khoảng 6.930 tỷ đồng).

Hồi cuối tháng 1, tỉnh Sóc Trăng cũng đã khánh thành dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Mạc Đĩnh Chi và khởi công xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế đông tây tỉnh Sóc Trăng với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.

Cầu Mạc Đĩnh Chi dài 366 m, rộng 14 m, 4 làn xe, vốn đầu tư gần 278 tỷ đồng. Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế đông tây có tổng chiều dài gần 57 km, đi qua TX Ngã Năm; huyện Thạnh Trị; huyện Mỹ Xuyên và TX Vĩnh Châu, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Quy mô đường cấp 4 đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h; nền đường rộng 9 m. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Tỉnh Long An

 

Đối với Long An, mới đây, tỉnh Long An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương với quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp (đầu tư thêm 4 làn cao tốc).

Theo đó, dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) có chiều dài 62 km bao gồm gần 40 km đường cao tốc và các tuyến đường nối, trong đó, đoạn cao tốc qua Long An dài gần 23 km với quy mô 8 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Đến nay, tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đã quá tải với trên 50.000 lượt xe/ngày đêm.

Hồi tháng 4, HĐND tỉnh Long An cũng đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM, đoạn qua tỉnh Long An.

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã có tờ trình về nghị quyết nói trên. Theo đó, tỉnh sẽ dự trù bố trí hơn 1.052 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, tương ứng với 25% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa phận tỉnh Long An, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM.

Nguồn vốn được bố trí đảm bảo theo tiến độ thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 2022 - 2025 bố trí hơn 852 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2027 gần 200 tỷ đồng. 

Đường vành đai 3 TP HCM đi qua 4 tỉnh thành phố là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, có tổng chiều dài toàn tuyến gần 92 km. Hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đi qua Bình Dương, dài hơn 15 km đã đầu tư hoàn thành với 6 làn xe, có điểm đầu xuất phát từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An dài khoảng 6,8 km. Trong đó, dự án thành thành 7 là dự án xây lắp, tổng mức đầu tư hơn 3.040 tỷ đồng, dự án thành phần 8 giải phóng mặt bằng có tổng vốn đầu tư 1.168 tỷ đồng.

Cuối tháng 1, UBND tỉnh Long An cũng đã tổ chức khởi công dự án cầu bắc qua sông Cần Giuộc nối liền bờ sông thuộc địa phận xã Phước Lại với thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Cầu có tổng chiều dài 417 m; rộng 8 m; đường dẫn vào cầu dài 184 m; tải trọng thiết kế 10 tấn… với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Dự kiến, công trình hoàn thành sau 18 tháng thi công sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp Long Hậu và các khu đô thị mới, nhà ở cao tầng trên địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Tỉnh Cà Mau

 

Đối với Cà Mau, thời gian qua, đây cũng là một trong các địa phương thuộc ĐBSCL có nhiều sự chuyển biến về hạ tầng, trong năm nay, Cà Mau đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.152 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 2.358 tỷ đồng; còn lại 795 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Với nguồn vốn trên, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư vào 10 dự án trọng điểm, trong đó, có 7 dự án hạ tầng giao thông.

Cụ thể, hai dự án do Trung ương đầu tư gồm: Tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Cà Mau và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc địa bàn huyện Thới Bình.

5 dự án giao thông do địa phương đầu tư gồm: Cầu sông Ông Đốc; tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi (đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến cầu Xóm Ruộng); Nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường.

Đối với tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Cà Mau do trung ương đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.725 tỷ đồng.

Tổng chiều dài tuyến 14 km, quy mô xây dựng đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế đạt 80 km/h, bề rộng nền đường 12 m gồm hai làn xe chạy và xây 10 cầu mới trên toàn tuyến. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay.

Dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua trung tâm TP Cà Mau, giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua địa bàn huyện Thới Bình, thuộc đoạn Hậu Giang - Cà Mau,  có chiều dài 72 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ đồng, đoạn đi qua huyện Thới Bình là cuối cùng của tuyến cao tốc này, giao với đường hành lang ven biển phía Nam.

Trong 5 dự án do địa phương đầu tư, có ba dự án đáng chú ý là tuyến đường trục Đông - Tây, cầu sông Ông Đốc và đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường. 

Tuyến đường trục Đông - Tây dài gần 44 km, được thiết kế cấp V đồng bằng với hơn 32 cây cầu được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, 3 cống hộp và 1 bến phà bảo đảm tải trọng khai thác. Tổng diện tích sử dụng đất hơn 202 ha tại các địa điểm tuyến đi qua. Tổng mức vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến thông xe vào đầu năm sau.

Đường giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường có chiều dài khoảng 3 km, tổng mức đầu tư dự án trên 146 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Trần Văn Thời. Dự kiến thông xe vào tháng 10 năm nay.

Dự án cầu sông Ông Đốc do BQL Dự án Xây dựng Công trình Giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư. Công trình có tổng chiều dài dự kiến 1,4 km với vốn đầu tư 638 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm B. Dự án này hiện đang thực hiện được 30% khối lượng xây dựng.

Nội Dung: Hải Quân - Thiết Kế: Justin Bui

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.