GRDP của Hậu Giang dẫn đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và xếp thứ hai cả nước
Theo Tổng Cục thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tỉnh Hậu Giang đã được công bố 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng trong năm 2023 đều đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và luôn dẫn đầu cả nước trong 3 kỳ đã công bố. So với năm 2022, tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang tăng 2 bậc.
Công nghiệp và xây dựng tiếp tục là những khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2023 của tỉnh Hậu Giang với mức tăng trưởng 28,32%.
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thực hiện 11 tháng năm 2023, tính theo giá so sánh 2010, được hơn 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 90% kế hoạch năm. Tính theo thời giá hiện hành là hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 93% kế hoạch năm.
Hiện nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có hơn 361 doanh nghiệp và trên 4.237 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể; trong đó, khoảng 20 doanh nghiệp có giá trị sản xuất theo giá hiện hành từ 500 tỷ đồng đến dưới 13.000 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 5,74% về số lượng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này tạo ra giá trị sản xuất theo giá hiện hành là hơn 52.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 86,37% về giá trị sản xuất công nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hậu Giang có 267 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất trên 47.000 tỷ đồng tính theo giá hiện hành, tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi trong cuối quý III đến nay. Đặc biệt, tỉnh đang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông - thuỷ sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như xay xát, chế biến thủy sản đông lạnh, sản xuất trái cây đóng hộp, chế biến trà mãng cầu, chế biến cá thát lát… các sản phẩm này có khả năng xuất khẩu và giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội. Vì vậy, đã làm giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2023 tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 76,68% trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh, tăng 7,41% thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành, thấp hơn mức tăng 11,89% so với cùng kỳ 11 tháng năm 2022. Nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm 2023 một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu đơn hàng xuất khẩu, do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao.
Cùng với đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 118,3% so với cùng kỳ, do Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu I, chính thức hoạt động ổn định, làm chỉ số sản xuất ngành này tăng đột biến vào 6 tháng đầu năm 2023 và có xu hướng tăng trưởng chậm lại vào những tháng cuối năm. Dự báo cả năm 2023, chỉ số sản xuất cộng dồn ngành này vẫn tăng cao, ở mức trên 115% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thực hiện được 20.400 tỷ đồng, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện tăng so với cùng kỳ là do các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 - 01/01/2024).
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang có 824 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; trong đó có 523 doanh nghiệp và công ty, còn lại 288 đơn vị trực thuộc. Tổng vốn đăng ký là gần 4.000 tỷ đồng, so cùng kỳ giảm 2,2% về số lượng doanh nghiệp và giảm gần 24% về số vốn điều lệ.
Sau 20 năm thành lập (1/1/2004 – 1/1/2024), kinh tế tỉnh Hậu Giang đã có những bước phát triển vượt bậc. Khi được thành lập năm 2004, tổng GDP và thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh Hậu Giang đứng thứ 13/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh thấp nhất vùng, chỉ bằng 3,8% toàn vùng. Nguồn thu nội địa trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 165 tỷ đồng, xếp thứ 13/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.