|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cải cách tiền lương sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng khiến gia tăng áp lực lạm phát

08:04 | 30/11/2023
Chia sẻ
Cải cách tiền lương có thể nâng tăng trưởng GDP thêm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2024 và 0,2 điểm phần trăm vào năm 2025. Tuy nhiên, cải cách tiền lương cũng có thể làm tăng CPI.

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Vietcap cho rằng cải cách tiền lương sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ khiến gia tăng áp lực lạm phát.

Cải cách tiền lương được kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của công chức, tăng năng suất lao động và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù, theo Bộ Nội vụ, số lượng công chức cả nước năm 2022 chỉ khoảng 1,8 triệu người (3,5% tổng lực lượng lao động trên 15 tuổi), cải cách tiền lương có thể có tác động lan tỏa và có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo dẫn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cải cách tiền lương có thể nâng tăng trưởng GDP thêm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2024 và 0,2 điểm phần trăm vào năm 2025. Tuy nhiên, Bộ dự báo cải cách tiền lương cũng có thể làm tăng CPI thêm 0,7 điểm phần trăm/ năm trong giai đoạn 2024 - 2026. 

 

Quốc hội đã thông qua cải cách tiền lương lần thứ năm, thực hiện từ ngày 1/7/2024. Trong quá khứ, Việt Nam đã 4 lần tiến hành cải cách tiền lương khu vực công vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003.

Cải cách tiền lương lần thứ năm sẽ giúp mức lương bình quân của khu vực công tăng 32%. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, mức lương bình quân hàng tháng của công chức, viên chức có thể tăng 32% (lên khoảng 10 triệu đồng so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 7 triệu đồng).

Từ năm 2025 trở đi, mức lương bình quân của khu vực công sẽ tiếp tục tăng 7%/năm cho đến khi mức lương thấp nhất trong khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu tại vùng I của khu vực tư nhân.

Bộ Tài chính đã bố trí 562.000 tỷ đồng để tăng mức lương cơ sở từ 1,4 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng bắt đầu từ ngày 1/7/2023 (trong đó 37.000 tỷ đồng được dành cho năm 2023) và cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026.

Ngân sách này đã được trích lập cho cải cách tiền lương cho giai đoạn 2021-2023 (đã bị trì hoãn). Chính phủ dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng lên từ NSNN cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 – 2026 là 499.000 tỷ đồng, trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng. 

Anh Đào