|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hạn mặn khốc liệt đến sớm, miền Tây cần trữ nước đề phòng

07:18 | 31/10/2019
Chia sẻ
Hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (trên sông Mê Kông) của Trung Quốc đã trữ một lượng lớn nước lũ năm 2019... nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ đến sớm hơn dự kiến.

Ngày 30.10, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết mực nước trên sông Mê Kông đang xuống nhanh và ở mức thấp chưa từng thấy, thậm chí thấp hơn cả năm khô hạn lịch sử 2015 -2016.

Cụ thể, số liệu ngày 28.10 cho thấy mực nước đo được tại Chiang Khong (Thái Lan) là 1,70 m, thấp hơn mực nước năm 2015 là 1 m, ở Pakse (Lào) là 1,68 m, thấp hơn năm 2015 là 2,62 m; ở Kratie (Campuchia) là 8,64 m, thấp hơn năm 2015 là 2,79 m; ở Prek Dram (Tonle Sap, Campuchia) là 4,31 m, thấp hơn năm 2015 là 68 cm.

Tại VN, ở trạm Tân Châu mực nước sông Tiền là 2,05 m, thấp hơn 30 cm so với năm 2015; tương tự ở Châu Đốc trên sông Hậu là 2,10 m cũng thấp hơn năm 2015 là 19 cm.

Cũng liên quan đến tình hình thủy văn cực đoan trên, PGS-TS Hoàng Minh Tuyển, Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho rằng điều đáng lo là Tonle Sap (Biển Hồ), Campuchia, nơi được xem là túi nước điều hòa của hạ lưu ĐBSCL năm nay cũng ghi nhận mực nước rất thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm 1,5 m.

Đặc biệt ghi nhận tại Chiang Saen (Thái Lan), trong suốt mùa lũ, Trung Quốc chỉ xả xuống hạ du bằng lưu lượng phát điện bảo đảm của đập Cảnh Hồng khoảng 1.200 m3/giây, thấp hơn 2.000 m3/giây so với trung bình 2010 - 2018.

Điều này cho thấy, hệ thống hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc đã trữ một lượng lớn nước lũ năm 2019 và tác động không nhỏ tới hạ du. Trước tình hình này, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ đến sớm hơn dự kiến, nhiều khả năng sẽ uy hiếp khu vực này ngay từ đầu tháng 12 và khắc nghiệt nhất vào tháng 3.2020.

Đình Tuyển