Hạn mặn gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng ở Sóc Trăng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, do ảnh hưởng của hạn mặn năm 2016, tại Sóc Trăng có hàng nghìn người là lao động chính ở nông thôn bỏ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn người già và trẻ em nên gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân
“Tỉnh đang chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, đưa lao động đi làm ăn xa về để tạo công ăn việc làm tại địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.
Cũng theo người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng, hiện tại có một số dự án, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang liên hệ đầu tư, tạo việc làm cho hàng nghìn người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, trong năm 2016, hạn mặn đã ảnh hưởng đến 31.000 ha lúa, cây ăn trái, thủy sản làm thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Còn 3 tháng đầu năm nay, cũng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cụ thể là mưa đã gây thiệt hại gần 1.000 ha hành tím ở thị xã Vĩnh Châu. Đồng thời, một số diện tích lúa trong giai đoạn trổ gặp mưa cũng bị thiệt hại.
Quang cảnh buổi làm việc
“Tỉnh xác định lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm dần, khuyết khích trồng cam sành, bưởi da xanh vì hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa. Hơn nữa, chuyển đổi sang nuôi bò hiệu quả cao. Cụ thể, 1 ha trồng cỏ nuôi bò hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng lúa, do cỏ tiết kiệm nước và ít tốn chi phí đầu tư. Ngoài ra, tập trung nuôi tôm”, ông Thể nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng kiến nghị, sớm phát triển đường cao tốc từ TPHCM - Cần Thơ để phát phát triển kinh tế xã hội; sớm hoàn thành dự án cầu Đại Ngãi. Ông Thể cũng cho rằng, Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh nghèo, có 36% đồng bào người Hoa và Khmer sinh sống nhưng gặp nhiều khó khăn nên cần có cơ chế đặc thù như ưu đãi miễn thuế, bảo hiểm…để phát triển. Đặc biệt ĐBSCL đất bồi, dọc bờ biển sạt lở nghiệm trọng, trong đó 72km bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng biển xâm lấn, nếu không có giải pháp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Sóc Trăng cần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thu nhập của người nông dân. Chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp của từng vùng, quy hoạch hoàn thành vùng nuôi tôm; chọn mặt hàng chủ lực để xây dựng thương hiệu. Vận động người dân vào hợp tác xã, làm thí điểm theo hình thức đưa cán bộ kỹ thuật về làm tại các hợp tác xã giúp các hợp tác xã này lớn mạnh làm nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác.
Do ảnh hưởng hạn mặn năm 2016 nên hàng nghìn người ở Sóc Trăng bỏ xứ đi làm ăn xa
“Sóc Trăng cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ giám đốc hợp tác xã. Người làm giám đốc hợp tác xã phải là người am kiểu kỹ thuật, kinh tế. Để tuyển được giám đốc hợp tác xã, tỉnh phải đứng ra ký hợp đồng với những người này rồi tiến hành làm thí điểm, sau đó chuyển giao dần dần cho bà con”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Người đứng đầu Mặt trận cho rằng, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nên cần phải quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ là người Khmer.
Để ổn định chính trị cũng như thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trung ương 4 (khoá XII), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc gì dân bức xúc, Mặt trận phải biết, từ đó kiến nghị chính quyền cùng cấp để giải quyết bức xúc, bắt đầu từ những bức xúc nhỏ nhất. “Không thể để việc nhỏ tích tụ thành lớn”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.