|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ

10:40 | 10/03/2020
Chia sẻ
Hạn, mặn khốc liệt đang gây thiệt hại về kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Tây. Các chuyên gia cho rằng, dân cứ loay hoay chống hạn, mặn thay vì né để sống khoẻ.

Tính đến nay đã có 5 tỉnh ở ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau.

Đã cảnh báo hạn, mặn khốc liệt từ nhiều tháng trước

Trao đổi với VietNamNet, Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, tình hình hạn, mặn năm nay gay gắt và khốc liệt hơn cả đợt lịch sử năm 2015- 2016.

Điều này đã được cảnh báo từ tháng 7/2019.

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 1.

Người dân đau đớn cắt lúa non nhiễm mặn về cho bò ăn

"Như 1 quy luật, ở ĐBSCL quan sát mùa lũ năm trước là có thể đón hạn, mặn năm sau. Đơn cử, năm 2015 lũ rất thấp, sang năm 2016 hạn, mặn lịch sử; lũ năm 2019 thấp, sang năm nay 2020 hạn, mặn lại dữ dội", ông Thiện nói.

Theo ông, nguyên nhân hạn, mặn năm nay khốc liệt do từ tháng 1 - 9/2019, hiện tượng El Nino xảy ra trên toàn khu vực sông Mêkong làm cho lượng mưa ít dẫn đến nước trên sông này thấp lịch sử.

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 2.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện

Nguyên nhân thứ hai là do thuỷ điện trên sông Mêkong.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện lưu ý, phải hiểu rõ thuỷ điện khác với thuỷ nông. Thuỷ điện không tiêu thụ nước, không làm mất nước, cũng như không gây ra hạn hán được. Nhưng, gặp mưa ít, thuỷ điện phải tích nước cho đến lúc đầy mới xả ra để phát điện.

"Nước đi qua chuỗi đập như thế làm chậm đường đi của nó, cho nên kết luận thuỷ điện làm cho tình hình hạn mặn "tồi tệ càng tội tệ thêm, gay gắt càng gay gắt thêm", ông Thiện nói.

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 3.

Những kênh, rạch cạn đáy trong mùa khô năm nay

Nguyên nhân thứ 3 là, do nước biển dâng, nguyên nhân này nhỏ, chỉ khoảng 3mm/năm nhưng xảy ra đều đều.

Ngoài ra, như hệ thống ở ĐBSCL đã bị xáo trộn, thay đổi nhiều, cụ thể như đê bao khắp nơi làm mùa nước không thể hấp thu nước vào ruộng đồng.

"Đến mùa khô đồng bằng không có nước nhiều, giống như tấm bông lau bảng không nhúng nước mà đem ra phơi nắng nên bị khô cháy là đúng. Từ đó cho thấy, mùa nước đồng bằng không nhận nước, mà cho nước đi thẳng ra biển. Chưa kể mùa nước, nước không có chỗ để lan toả lên đồng ruộng nên chảy vào các đô thị gây ngập", ông Thiện cảnh báo.

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 4.

Cố vét những giọt nước cuối cùng dưới kênh lên cứu lúa

Né hạn, mặn để sống khoẻ thay vì chống

Theo ông Thiện, người dân phải thích ứng với hạn mặn. Trong đó, phải phân biệt năm cực đoan và phi cực đoan. Năm cực đoan nên ứng phó tình huống.

"Bình thường hết năm cực đoan là trở lại những năm phi cực đoan. Chiến lược năm nay vẫn là né hạn, mặn", ông nói.

Vẫn lời ông Thiện, hạn, mặn không phải đùng 1 cái là xảy ra mà đã được cảnh báo từ nhiều tháng, nhưng có người tin, người không.

Ông nói: "Người tin đã né rồi, người nào không tin vẫn xuống giống "chắc bị lần nữa mới tin".

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 5.

 

Theo ông Thiện, hạn, mặn năm nay xâm nhập sâu làm những nhà vườn trồng cây ăn trái, cây lâu năm trở tay không kịp.

"Năm nay phải chấp nhận thiệt hại. Thực tế hạn, mặn gay gắt nhưng ngành nông nghiệp, người dân có ý thức nên đã né được rất nhiều, nhưng vẫn còn thiệt hại", ông Thiện nói và cho rằng, năm nay phải ca ngợi ngành nông nghiệp vì họ đã làm khá tốt về cảnh báo.

Theo chuyên gia này, về lâu dài để giải quyết bài toán hạn mặn ở ĐBSCL, thứ nhất phải tách chuyện nước sinh hoạt và sản xuất ra làm riêng biệt, không nhập nhằng như trước đây nữa.

"Trước đây, mình cứ nói ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cái này rất không ổn. Nước ngọt để sản xuất thì làm sao sử dụng được cho sinh hoạt, vì thuốc trừ sâu, ô nhiễm.

Tổng nhu cầu nước ngọt vùng ven biển là 100%, nhưng nước sinh hoạt chỉ 5%, lâu nay không tách ra nên dẫn đến tình trạng không đáp ứng được cái nào cả. Bây giờ tách ra đi, 5% nước sinh hoạt mỗi hộ có thể làm ao chứa nước hay áp dụng các công nghệ nano, dùng túi vải địa chất để chứa.

Song, ao nước ngọt dùng cho sinh hoạt phải cách biệt, an toàn", ông nói và dẫn chứng, từ lâu dân sống ở vùng mặn đã quen, nhà nào cũng ít nhất cả chục lu, hồ xi măng… để chứa nước ngọt. Tách nhu cầu riêng, không vì cái nọ mà làm cái kia, lấp công trình lung tung. 

"Đừng làm lúa trái mùa nữa. Phải phục hồi chung "sức khoẻ" của đồng bằng bằng cách giảm trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên để mùa nước có chỗ nước lũ vào, đồng ruộng hấp thu nước. Khi mùa khô nước từ từ rỉ ra bổ sung giúp cho vùng cửa sông cân bằng mặn, ngọt", ông nói.

"Lâu dài phải đi theo Nghị quyết 120, mình bị tổn thương quá nhiều do chống thiên nhiên, cứ loay hoay "mùa lũ chống lũ, mùa mặn chống mặn", cứ thế xoay cả năm không có thời gian rảnh, vất vả. Lẽ ra phải nương theo thì khoẻ cả năm.

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 6.

Nước ngọt giờ quý như vàng với người dân Bến Tre

Thay sản xuất nông nghiệp truyền thống bằng kinh tế tri thức

TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL cũng nhận định, hạn, mặn năm nay đến sớm và khốc liệt hơn mùa khô 2015 -2016.

"Có những vùng hồi năm 2016 không bị ảnh hưởng, nhưng năm nay bị như Chợ Lách (Bến Tre), Cái Bè (Tiền Giang)", ông Hiệp nói. 

TS. Hiệp cho rằng, về lâu dài, ĐBSCL phải tiếp cận 1 cách tổng thể, phối hợp liên ngành.

"Nghị quyết 120 đã có, đó là tầm nhìn dài hạn, là tư duy thích ứng thuận thiên, phát huy kinh nghiệm truyền thống bản địa", ông nói.

Ông Hiệp nhấn mạnh: "Cái đó mới là 1 cái khung, tạo thuận lợi cho người dân. Cần phải có đầy đủ các thông tin khoa học, cơ quan chức năng phải có cảnh báo sớm để người dân dịch chuyển.

Nếu như không nâng cao được năng lực cảnh báo sớm của các cơ quan khoa học, thì người dân cũng mù tịt".

Hạn mặn vượt lịch sử, chuyên gia hiến kế né để sống khoẻ - Ảnh 7.

Đồng ruộng khô nứt, lúa chết cháy ở Bến Tre

Ông Hiệp cũng cho rằng, cứ để người dân dựa vào kinh nghiệm tích lũy là không được. "Bằng kinh nghiệm thì giờ quy luật của lũ, hạn, mặn đã thay đổi. Đơn cử, năm 2016 ghi nhận 100 năm mới có trận hạn, mặn lịch sử, thì sau 4 năm đã lập lại. Điều đó chứng tỏ quy luật đã thay đổi, đang diễn biến xấu hơn, nhanh hơn...", TS. Hiệp nói và cho rằng, phải có cảnh báo sớm để người dân thích ứng, né hạn, mặn để được lợi.

"Thứ hai, phải đồng bộ hạ tầng, nhất là nông nghiệp. Thứ ba, là nâng cao năng lực, nếu trước đây bằng kinh nghiệm sản xuất, truyền thống nói bóng bẩy là "bằng đôi chân lắm bùn của nông nghiệp truyền thống", bây giờ phải bước sang kinh tế tri thức, người dân phải nắm được thông tin.

Ngoài thông tin về thời tiết, thuỷ văn thì còn thị trường nữa", ông nói và cho rằng, đừng đổ lỗi cho nông dân không nghe theo khuyến cáo.

Hoài Thanh