Phó Thủ tướng yêu cầu thanh tra cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, ai là cổ đông lớn nhất?
Được biết, Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ với hệ thống 20.960 kho, 12.000m2bãi, 48.000 m2bãi chứa container, trên 306.568 m2 mặt bằng.
Cùng với 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, hàng trăm thiết bị, phương tiện, công cụ xếp dỡ hiện đại có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT với tần suất bình thường, tàu 50.000 DWT giảm tải ra vào làm hàng 24/24 giờ. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng năm 2015 là 7,5 triệu tấn.
Có nhiều lợi thế, tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của công ty, kết thúc năm 2016, doanh thu thuần Cảng Quy Nhơn giảm hơn 7%, lợi nhuận kế toán trước thuế giảm mạnh 26% so với năm 2015 còn 77,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 62,7 tỷ đồng, giảm gần 24% so với 2015. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty này lại tăng gần 18% lên 52,2 tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, do Cục Đường biển trực tiếp quản lý. Đến năm 1993, Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Doanh nghiệp Nhà nước Cảng Quy Nhơn, và đến năm 2009 chuyển về làm thành viên của Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) và sau đó trở thành đơn vị hạch toán độc lập.
Đến tháng 3/2014, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn bắt đầu thực hiện quá trình cổ phần hóa và chuyển đổi thành công ty cổ phần (CTCP) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 và Quyết định của Hội đồng thành viên Vinalines về việc phê duyệt danh sách các đơn vị thuộc Vinalines thực hiện cổ phần hóa năm 2013.
Cảng Quy Nhơn là cảng biển loại 1 thuộc Vinalines đầu tiên thực hiện thành công việc chuyển đổi từ công ty TNHH MTV sang mô hình CTCP.
CTCP Cảng Quy Nhơn được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ 404 tỷ đồng. Sau thời điểm cổ phần hóa, Vinalines vẫn còn nắm giữ 75,01% vốn điều lệ công ty này. Số cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên trong công ty chiếm 4,81%; cổ phần của công đoàn công ty chiếm 0,19%. Ngoài ra, số cổ phần của nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45% và cổ phần của cổ đông đại chúng chiếm 7,54%. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty là ông Lê Hồng Thái.
Đến thời điểm này, cổ đông lớn nhất đồng thời là công ty mẹ của cảng Quy Nhơn là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Vào cuối tháng 12/2016, CTCP Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ 40,4 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã QNP.
Đáng chú ý là ngay trước thời điểm niêm yết, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã thực hiện bán ra hơn 3,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Cảng Quy Nhơn từ 86,23% xuống còn 78,03% (tương đương 31.533.292 cổ phần).
CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành có vốn điều lệ 460 tỷ đồng với 3 cổ đông là ông Lê Mạnh Sơn giữ 19%, bà Phạm Thị Ngân giữ 36% và ông Lê Hồng Thái giữ 45% còn lại. Người đại diện pháp luật của công ty này là bà Trần Thị Quỳnh Yên.
Bà Trần Thị Quỳnh Yên cũng đồng thời là người đại diện pháp luật của CT CP Dịch vụ Hàng không Việt Xuân Mới có vốn điều lệ 50 tỷ đồng; công ty này cổ đông lớn nhất giữ 65% cổ phần là CT CP Việt Xuân Mới.
Mặc dù mới ra đời năm 2014, CTCP Việt Xuân Mới là cổ đông đang giữ 10% cổ phần của CT CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Ngoài ra, hồi đầu năm 2016, CTCP Việt Xuân Mới được chọn là đối tác mua 51% cổ phần của Vinalines tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ và hiện là thành viên trong liên danh 3 nhà đầu tư dự án cao tốc Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội –Thái Nguyên...
Việt Xuân Mới cũng là đơn vị đang nắm giữ hơn 40% cổ phần của Tổng công ty Chăn Nuôi Vilico (VLC).