|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành giá xăng dầu bám sát thị trường thế giới

08:49 | 24/03/2022
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thành phẩm của thế giới, đồng thời sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 95 và Nghị định 83, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, theo báo Chính phủ.

Đồng thời, Liên bộ cần sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Nếu có những vướng mắc vượt thẩm quyền, Liên bộ cần báo cáo, đề xuất giải pháp để Thủ tướng xem xét giải quyết.

Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành giá xăng dầu bám sát thị trường thế giới - Ảnh 1.

Từ ngày 1/4, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. (Ảnh: Zing)

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề xuất của Chính phủ.

Sau khi giảm, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít, kg; dầu hoả còn 300 đồng/lít.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4 đến 31/12. Sau ngày này, thuế sẽ quay về mức đang áp dụng, là 3.800 - 4.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít, kg dầu.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao cần phải tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác. "Hết công cụ thuế, phí rồi vẫn không ổn nữa mà giá thế giới tăng cao thì giá mình cũng không thể không cao.

Song để kìm được giá, có thể xem xét việc dùng quỹ an sinh, quỹ bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách đối với những đối tượng hoặc hỗ trợ thuế với những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều xăng dầu", ông Diên nói.

Hoàng Anh

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.