|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tại sao giá xăng lúc tăng đi thang máy, lúc giảm đi thang bộ?

07:23 | 23/03/2022
Chia sẻ
Trái với kỳ vọng của doanh nghiệp, giá xăng ở kỳ điều chỉnh ngày 21/3 chỉ giảm hơn 600 đồng/lít trong khi từ đầu năm đến nay đã có 7 đợt tăng với tổng mức gần 6.000 đồng/lít.

Trước thông tin giá dầu thô lao dốc, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội dự đoán rằng ở kỳ điều chỉnh ngày 21/3, giá xăng có thể giảm khoảng 1.500 đồng/lít.

Song trái với mong đợi của doanh nghiệp và người dân, giá xăng chỉ giảm hơn 600 đồng/lít, xăng RON 95 và RON 92 vẫn ở mức cao, lần lượt ở mức 29.192 đồng/lít và 28.330 đồng/lít.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 7 đợt tăng liên tiếp với tổng gần 6.000 đồng/lít, trong khi chỉ có một kỳ giảm duy nhất và giảm ở mức hơn 600 đồng/lít.

Giá xăng lúc tăng đi thang máy, lúc giảm đi thang bộ - Ảnh 1.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Lý giải điều này, Bộ Công Thương cho biết thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Ngoài ra, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) không còn nhiều, 13 doanh nghiệp đã âm quỹ. Do đó, Liên Bộ đã quyết định giảm chi sử dụng Quỹ và bắt đầu trích lập 50 – 200 đồng/lít xăng để giảm áp lực cho quỹ BOG và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, đồng thời giúp kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Liên bộ sẽ tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý.

Giá xăng lúc tăng đi thang máy, lúc giảm đi thang bộ - Ảnh 2.

Ở kỳ điều chỉnh ngày 21/3, Liên bộ trích lập 50 - 200 đồng/lít

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết mức giảm của giá xăng trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới, mức trích lập quỹ bình ổn mà còn ở các loại thuế, phí.

"Khoảng 4 ngày gần đây, giá dầu thế giới đã bật tăng trở lại, hiện ở mức hơn 110 USD/thùng. Do đó, Liên bộ cũng phải trích lập quỹ để có dư địa ở kỳ điều hành tới có khả năng xăng sẽ tăng trở lại", chủ doanh nghiệp này nói.

Hiện, Quỹ BOG của nhiều doanh nghiệp đầu mối có mức âm lớn như Petrolimex âm 470 tỷ đồng, PV Oil âm hơn 840 tỷ đồng...

Để hạ nhiệt giá xăng dầu, Chính phủ đề nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Nếu nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì giá xăng từ ngày 1/4 sẽ được giảm 2.200 đồng/lít (gồm VAT) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao cần phải tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác. "Hết công cụ thuế, phí rồi vẫn không ổn nữa mà giá thế giới tăng cao thì giá mình cũng không thể không cao.

Song để kìm được giá, có thể xem xét việc dùng quỹ an sinh, quỹ bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách đối với những đối tượng hoặc hỗ trợ thuế với những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều xăng dầu", ông Diên nói.

Hoàng Anh

NHNN: Thông tin về thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá là không chính xác
Đại diện NHNN cho rằng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay đã đủ dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt. Một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.