Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sẽ sớm thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng
Ảnh minh họa
Theo trang Fintechnews, trong một cuộc họp cấp bộ gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tuyên bố rằng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ban hành quyết định cho phép thực hiện thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) trước khi chính thức xây dựng khung pháp lí cho phương thức gây quĩ mới này.
Trong quá trình thí điểm, hoạt động cho vay P2P sẽ bị hạn chế. Theo đó, các công ty cho vay ngang hàng sẽ không được phép huy động vốn mà sẽ chỉ đóng vai trò trung gian để kết nối giữa người cho vay và người đi vay.
"Các cơ quan quản lí cần nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói.
Trong một hội nghị vào tháng 2, Phó Thủ tướng cho biết quyết định điều tiết hoạt động cho vay P2P của Việt Nam là một phần trong chiến lược của Chính phủ nhằm tạo điều kiện phát triển nền kinh tế chia sẻ, một mô hình kinh tế đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây ở 6 lĩnh vực như: vận tải, nhà ở, thương mại điện tử, tuyển dụng, dịch vụ tài chính và quảng cáo online.
Bên cạnh đó, ông Huệ cũng cho biết Việt Nam sẽ xây dựng các quy định cụ thể cho các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế chia sẻ.
Theo Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam, thúc đẩy phát triển nền kinh tế chia sẻ cùng với khung quản lí phù hợp sẽ giúp cải thiện thu ngân sách, tăng cường hiệu quả nguồn lực, khuyến khích đổi mới và đưa ra nhiều lựa chọn phong phú cho khách hàng.
Fintechnews nhận định trong những năm gần đây, hoạt động cho vay P2P đã có sự tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam một phần do thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Bên cạnh những doanh nghiệp trong nước "mọc lên như nấm", nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu khai thác cơ hội trong lĩnh vực cho vay P2P tại Việt Nam.
Mới đây, Validus Capital - một nền tảng tài chính dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tại Singapore đã công bố kế hoạch mở rộng sang Việt Nam và Indonesia sau khi kết thúc vòng tài trợ Series B (một hình thức tài trợ vốn cho các công ty khởi nghiệp) trị giá 15,2 triệu USD.
Trong năm ngoái, Investree - một công ty cho vay P2P đến từ Indonesia, cũng chính thức ra mắt tại Việt Nam dưới tên eLoan.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu hình thức cho vay P2P được quản lí tốt, nó sẽ tạo điều kiện cho hoạt động tài chính hòa nhập vào cuộc sống người dân, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Cho vay P2P cũng có thể giúp khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng với chi phí thấp.
Mặc dù các nền tảng này đang cung cấp một giải pháp thay thế cho các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của chúng có thể dẫn đến sự gia tăng của hoạt động cho vay nặng lãi.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lưu ý rằng Việt Nam chưa có khung pháp lí cho hình thức cho vay ngang hàng và do đó, hoạt động này có nhiều rủi ro kinh tế và xã hội tiềm ẩn. Ông trích dẫn trường hợp của Trung Quốc, nơi hoạt động này không được kiểm soát đã dẫn đến một làn sóng vỡ nợ, lừa đảo và phá sản .
Theo ước tính của Solidiance, một công ty tư vấn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), thị trường fintech Việt Nam trị giá 4,4 tỉ USD 2017 và dự kiến sẽ đạt 7,8 tỉ USD vào năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng sự phát triển nhanh chóng của thị trường fintech Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi các nỗ lực của Chính phủ nhằm gia tăng thu nhập và tiêu dùng của người dân, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, tỉ lệ sử dụng Internet và điện thoại thông minh ở mức cao cùng với một cơ cấu dân số trẻ cũng sẽ là những nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ.