|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Công ty cho vay ngang hàng núp bóng tài chính đa cấp để lừa đảo

07:02 | 07/03/2019
Chia sẻ
Trong 40 công ty cho vay ngang hàng ở Việt Nam thì 10 doanh nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia.

Tại cuộc họp ngày 6/3 về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending), nhiều ý kiến góp ý cần có công cụ pháp lý "quản" mô hình kinh doanh này, tránh biến tướng, hệ luỵ.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, cho vay ngang hàng đã phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau kể từ lần đầu xuất hiện tại Anh năm 2005. Cho vay ngang hàng đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường do thiếu khung pháp lý đầy đủ.

Trong 40 công ty P2P đang hoạt động ở Việt Nam, 10 đơn vị có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia và Singapore. "Một số trong 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Hình thức biến tướng chủ yếu, thay vì làm trung gian kết nối thông tin, số công ty này huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo.

Công ty cho vay ngang hàng núp bóng tài chính đa cấp để lừa đảo - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về quản lý kinh doanh cho vay ngang hàng. Ảnh: VGP

Năm 2018 là năm chứng kiến sự bùng nổ của loại hình kinh doanh này ở Việt Nam. Không khó bắt gặp những quảng cáo cho vay trực tuyến với mức lãi suất hấp dẫn, thủ tục vay đơn giản trong vài phút. Về việc thanh toán, khách sẽ trả vào cuối kỳ tại bất kỳ điểm giao dịch nào của đối tác (theo quảng bá của trang web doctordong thì các đối tác của họ có Viettel, Paypoo, Momo, SCB...). Tuy nhiên khi đã vướng vào loại hình vay này, người đi vay sẽ phải trả lãi suất rất cao, có nơi tới 720% một năm.

Nguyên do chủ yếu khiến cho vay P2P nở rộ nhưng biến tướng được Ngân hàng Nhà nước nêu, là hệ thống pháp luật hiện chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng) mô hình hoạt động này.

Vì thế, hoàn thiện pháp lý để quản lý loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng là góp ý của phần lớn đại diện các bộ, ngành tham dự cuộc họp. Ngoài ra, đây là kinh doanh có điều kiện nên phải được cơ quan Nhà nước cấp phép.

Bản chất của P2P Lending là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, "công ty P2P lending" cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (platform) để người đi vay kết nối, trực tiếp vay mượn với người cho vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hoá.

Cũng theo đại diện các bộ, nên cho phép các công ty tài chính tham gia hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý tiền tệ, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh thận trọng hơn. Ông cho rằng trước mắt chưa nên mở rộng cấp phép cho vay ngang hàng ra các tổ chức tài chính và không cho phép các công ty vay ngang hàng được quyền huy động vốn về cho vay lại. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm loại hình này.

Chủ trì cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, rằng cần có quyết định của Thủ tướng quy định về phương thức hoạt động loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng, trong đó xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính.

"Một mặt nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinnh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này", Phó thủ tướng nêu, đồng thời yêu cầu các bộ tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P ở Việt Nam.

Ông giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản của các khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan. Các quy định tới đây về loại hình kinh doanh này phải thể hiện rõ quan điểm "Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này theo quy định Luạt các tổ chức tín dụng".


Anh Minh