|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBCKNN: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần phải phát triển mạnh hơn nữa

11:28 | 24/05/2022
Chia sẻ
Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần phải phát triển mạnh hơn nữa vì đây là kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp.

Sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận khối lượng phát hành giảm mạnh.

Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1, trước thời điểm Thông tư số 16 có hiệu lực. Tháng 2 và 3, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ giảm dần.

Đặc biệt trong tháng 4, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ sụt giảm mạnh 33% so với cùng kỳ và ở mức khoảng 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I. 

Trước những những động thái siết chặt của Chính phủ đã dấy lên nhiều lo ngại về kìm hãm sự phát triển của thị trường vốn. Tại Hội thảo Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế: Xu hướng dòng tiền của VTV24, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định: "Trước những vụ việc gần đây (như Tân Hoàng Minh), đối với tiềm năng chung, thị trường TPDN vẫn cần phát triển mạnh hơn nữa, kể cả phát hành ra công chúng và riêng lẻ".

Để thị trường phát triển bền vững, theo Phó Chủ tịch UBCKNN cần hội tụ 5 yếu tố gồm nhà phát hành (báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức thẩm định giá); công ty chứng khoán (tư vấn phát hành); nhà đầu tư mua trái phiếu và cơ chế giám sát thị trường cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Đối với bản thân các doanh nghiệp, trước tiên là đạo đức nghề nghiệp sau đó là việc tính toán dòng tiền để chi trả lãi và gốc. "Tất cả các yếu tố đó nếu làm đúng thì đã không xảy ra tình trạng một số vụ việc như thời gian qua", ông Sơn chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh chụp màn hình sự kiện của VTV24).

Thời gian gần đây, Chính phủ đã xem xét sửa đổi Nghị định 153 và đã giải quyết được các điểm cơ bản các nghị định trước đây.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc kiểm tra giám sát các hoạt động phát hành đặc biệt là phát hành riêng lẻ sẽ được tăng cường thêm.

Ông cũng khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt những người mua trái phiếu riêng lẻ cần đảm bảo đúng quy định để giảm thiểu các rủi ro.

Phó Chủ tịch UBCKNN tái khẳng định tinh thần chung là thị trường trái phiếu vẫn cần phải phát triển mạnh hơn nữa vì đây là kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp.

Đánh giá thị trường TPDN thời gian qua, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, đối với vấn đề trước mắt cần xử lý khéo léo đối với các vụ việc sai phạm pháp luật. Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông, thông tin cũng cần được quan tâm, thị trường cần minh bạch để thu hẹp các bất đối xứng thông tin giữa bên bán và bên mua.

Đóng góp thêm ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 153, ông Thành cho rằng cần phải khéo léo để thị trường vẫn vận hành ổn định trong bối cảnh chúng ta chưa có tất cả nền tảng tốt cho thị trường TPDN phát triển.

Trong một báo cáo phân tích mới đây của bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định sự kiện Tân Hoàng Minh và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian qua có đã tác động cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư.

SSI Research đánh giá thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ.

Đánh giá chung về thị trường, SSI Research cho rằng nhu cầu phát hành TPDN vẫn ở mức tốt. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, môi trường lãi suất trong năm 2022 được kỳ vọng vẫn tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với các NHTW lớn trên thế giới, cũng như Chính phủ nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm hồi phục, do vậy áp lực lên chi phí tài chính khi phát hành TPDN là chưa nhiều.

Mặt khác, số TPDN đáo hạn trong hai năm 2022-2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, và chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào.

Hoàng Kiều

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.