|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 27/4: Khối ngoại chốt lời trăm tỷ đồng khi nhóm bất động sản, xây dựng phiên tăng trần

19:55 | 27/04/2022
Chia sẻ
Sau chuỗi mua ròng kéo dài 8 phiên liên tiếp, lực cầu thu hẹp khiến khối ngoại đảo chiều bán ròng 261 tỷ đồng, tương đương 12,8 triệu đơn vị. Áp lực bán ròng tập trung ở nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu và dịch vụ tài chính.

Sau phiên hồi phục hôm qua thì thị trường chứng khoán phiên sáng nay lại chịu áp lực bán mạnh ngay đầu phiên với áp lực điều chỉnh lại đến từ nhóm vốn hóa lớn. Động thái back test lại vùng đáy là cần thiết để VN-Index xác định xu hướng trong thời gian tới.

Đóng cửa, VN-Index tăng 12,43 điểm (0,93%) lên 1.353,77 điểm, HNX-Index tăng 11,92 điểm (3,45%) đạt 357,09 điểm.

Với việc test cung trong phần lớn thời gian giao dịch, dòng tiền tỏ ra thận trọng với thanh khoản gần như mất hút. Tuy nhiên, diễn biến cuối phiên dường như cũng giúp thanh khoản cải thiện.

  Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tại sàn HOSE, sau chuỗi mua ròng kéo dài 8 phiên liên tiếp, lực cầu thu hẹp khiến khối ngoại đảo chiều bán ròng 261 tỷ đồng, tương đương 12,8 triệu đơn vị. Áp lực bán ròng tập trung ở nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu và dịch vụ tài chính.

  Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dẫn đầu ở chiều bán là lực xả ở cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect khi mã này bị bán ròng gần 45 tỷ đồng. Mặc dù quay đầu giảm nhẹ 0,95% về cuối phiên, mã này chỉ ghi nhận khối lượng giao dịch hơn 7,4 triệu đơn vị, giảm hơn 50% so với những phiên trước đó.

Là nhóm bị xả ròng nhiều nhất trong phiên, dòng tiền ngoại rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Nhóm này đảo chiều bán ròng DXG (37,2 tỷ đồng), trước khi rút khỏi DIG (36,9 tỷ đồng), KBC (35 tỷ đồng), NVL (34,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bộ ba đại diện “họ”  Vingroup là VIC, VHM, VRE cũng lần lượt nằm trong danh mục bán ròng với giá trị 36,2 tỷ, 29,2 tỷ và 13,8 tỷ đồng.

Kế đó, một số mã cũng ghi nhận giao dịch rút ròng nhẹ hơn còn có TPB (22,4 tỷ đồng), HPG (17 tỷ đồng),..

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, quy mô lực cầu có phần thu hẹp khi không có mã nào được gom ròng trên 40 tỷ đồng trong phiên. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất 36,1 tỷ đồng cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, trước khi duy trì gom MSN của Masan Group (34,6 tỷ đồng). 

Tiếp đó, dòng tiền ngoại cũng gom ròng lần lượt tại BCM (34 tỷ đồng), GAS (28 tỷ đồng), CTG (25,7 tỷ đồng), VHC (24,4 tỷ đồng), STB (18,3 tỷ đồng). Nhóm này cũng gom ròng 11,8 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30, trước khi trở lại mua gom nhẹ hơn ở thị trường cổ phiếu các mã GMD, VJC….

Trên sàn HNX, các nhà đầu tư ngoại mua ròng trở lại với quy mô 3,2 tỷ đồng, hay mua về khối lượng 160.479 cổ phiếu.

Trở lại chiều mua, khối ngoại đảo chiều gom ròng 2,2 tỷ đồng mã PVS của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam ngay sau một phiên bán ròng. Theo sau, nhóm này còn gom ròng nhẹ hơn GKM, PVI, IDV, QTC…

Tại chiều bán, áp lực bán giảm mạnh khi không có cổ phiếu nào bị xả ròng quá 600 triệu đồng. Lực xả ngoại trong phiên chỉ lần lượt xuất hiện ở các cổ phiếu: SHS (530 triệu đồng), AMC (243 triệu đồng), TOT (152 triệu đồng)…

Tại thị trường UPCoM, xu hướng mua bị cắt đứt bằng một phiên xả ròng hơn 14,5 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng gần 567.000 đơn vị.

Ở phía bán, khối ngoại đồng loạt xả ròng trên 8 tỷ đồng ở bộ đôi cổ phiếu gồm VEA của VEAM Corp và VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Nối tiếp, danh mục bán ròng có sự xuất hiện của QNS (1,1 tỷ đồng), CSI (878 triệu đồng), SAS (336 triệu đồng)…

Quay lại bên mua, dòng tiền ngoại tập trung ở hai mã HPP (1,3 tỷ đồng) và SIP (1 tỷ đồng). Kế đó, giao dịch tích cực cũng được ghi nhận tại ACV (662 triệu đồng), TCI (620 triệu đồng), MPC (601 triệu đồng)…

Thảo Bùi