ĐHĐCĐ SHS: Mục tiêu lãi hơn 2.000 tỷ đồng, con trai 'bầu' Hiển - ông Đỗ Quang Vinh được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027
Con trai "bầu" Hiển ứng cử thành viên hội đồng quản trị
Chiều nay (27/4), CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong kỳ đại hội năm nay, Chứng khoán SHS sẽ thông qua việc bầu thành viên hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Theo dõi danh sách các ứng viên tham gia cho thấy ông Đỗ Quang Vinh, con trai ông Đỗ Quang Hiển tham gia ứng cử hội đồng quản trị. Ông Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989) hiện là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Phó Chủ tịch Hội đồng Thành viên SHB Finance.
Trước đó, ngày 26/4, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch SHS đã được HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) bầu tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng nhiệm kỳ 5 năm (2022 - 2027).
Căn cứ theo Điều 34 Luật tổ chức tín dụng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP không đồng thời giữ chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc các doanh nghiệp khác, sáng 27/4, Ông Hiển đã có đơn xin từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT SHS, Chủ tịch HĐQT SHS và đã được HĐQT SHS thông qua.
Thông tin thêm, HĐQT SHS cũng đã thống nhất cử Ông Vũ Đức Tiến, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SHS làm chủ tọa Đại hội hôm nay. Ông Đỗ Quang Hiển cũng đã có đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), tuân thủ các quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Danh sách ứng cử hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2027 còn có ông Vũ Đức Tiến, hiện làm Tổng Giám đốc; ông Lê Đăng Khoa, bà Nguyễn Diệu Trinh hiện là thành viên HĐQT. Ngoài ra còn có ông Lưu Danh Đức, Giám đốc Ban CNTT của Tập đoàn T&T.
Trong năm nay, Chứng khoán SHS cũng bầu thành viên Ban kiểm soát. Theo danh sách ứng cử có bà Phạm Thị Bích Hồng, hiện là Trưởng Ban kiểm soát, ông Vũ Đức Trung và bà Lương Thị Lựu hiện là thành viên Ban kiểm soát.
Kế hoạch lãi hơn 2.000 tỷ đồng năm 2022
Kế hoạch kinh doanh năm 2022, Chứng khoán SHS đặt chỉ tiêu doanh thu 3.428,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.025,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 18,2% và 15,6% so với thực hiện năm 2021.
Trong quý I vừa qua, Chứng khoán SHS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 685 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7% so với cùng kỳ.Doanh thu môi giới trong quý đạt 136,1 tỷ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 411 tỷ đồng, tăng 21,6%.
Theo đánh giá của ban điều hành, thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ diễn biến khó lường, có các cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Kế hoạch kinh doanh trên được ban lãnh đạo đặt trong giả định VN-Index vùng 1.700 - 1.750 điểm, giá trị giao dịch bình quân phiên là 26.589 - 27.900 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Đức Tiến, CEO của Chứng khoán SHS đánh giá thị trường diễn biến khó lường dẫn đến công tác dự báo tương đối khó khăn. Trong năm 2022, công ty đặt mục tiêu lấy lại vị thế trong Top10 công ty chứng khoán có thị phần hàng đầu HOSE và Top5 trên HNX.
Thông tin thêm về hoạt động, trong quý I, Chứng khoán SHS thực hiện tăng vốn lên hơn 6.500 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1.
Phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 18%
Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, Chứng khoán SHS sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phần được nhận thêm 18 cổ phiếu). Theo đó, công ty sẽ phát hành thêm hơn 117 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Chứng khoán SHS sẽ thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Nguồn vốn sử dụng từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với tổng giá trị hơn 455,3 tỷ đồng. Kế hoạch phát hành cổ phiếu và thưởng cổ phiếu thực hiện trong năm 2022.
Sau khi đọc xong các tờ trình, đại hội chuyển qua phần thảo luận hỏi đáp:
Phần thảo luận
Hỏi: Kế hoạch lợi nhuận 2022 dựa trên kịch bản nào, nếu thanh khoản giảm có đạt kế hoạch không?
Ông Vũ Đức Tiến: Cơ sở để lập kế hoạch vô cùng khó khăn. Về giả định, nếu như doanh thu giảm thì mảng môi giới sẽ giảm. Mọi phương án đều có giả định. Tuy nhiên, nếu có những mảng khó khăn sẽ có những khoản bù đắp. Ban điều hành sẽ có phương án tốt nhất.
Hỏi: Trong hình hiện nay, nạn thao túng giá cổ phiếu rất nhiều. SHS có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý nạn thao túng thông qua sử dụng dịch vụ của SHS?
Ông Vũ Đức Tiến: Cơ quan quản lý nhà nước rất tích cực, mạnh mẽ với nạn thao túng. Với thành viên thị trường, SHS tích cực công bố thông tin, cảnh báo về những trường hợp.
Hỏi: Hoạt động tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu của SHS?
Ông Vũ Đức Tiến: SHS là một trong doanh nghiệp chứng khoán có tư vấn phát hành trái phiếu, hầu hết cho các định chế tài chính. Thị trường trái phiếu đang bị lạm dụng nên công ty không chủ động mở rộng.
Bản thân trái phiếu doanh nghiệp rất tốt nhưng nếu bị lạm dụng sẽ xấu. SHS sẽ tham gia thị trường trái phiếu phiếu với quy trình đúng theo phải làm.
Hỏi: Công ty có phát sinh nợ xấu với các mã giảm mạnh thời gian qua
Ông Vũ Đức Tiến: Về quản trị rủi ro trong cho vay margin là quan trọng nhất. Những công ty sẽ có cách làm riêng. SHS cho vay margin thậm định rất kỹ lưỡng. Công ty không phát hành nợ xấu với các cổ phiếu bất động sản. Danh sách cho vay margin tại SHS không chỉ dựa trên danh sách của UBCK, Sở giao dịch mà còn do công ty thẩm định, xác định giá.
Hỏi: Giá cổ phiếu SHS giảm sau đợt phát hành của công ty?
Ông Vũ Đức Tiến: Cổ phiếu vận định theo giá thị trường. Lý do phát hành là tăng quy mô hoạt động, khả năng tài chính của SHS, đảm bảo có sự cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ. Trong quá trình điều chỉnh trái phiếu doanh nghiệp, những công ty nào sống nhờ trái phiếu sẽ khó khăn.
Hỏi: Thời gian vừa rồi giá cổ phiếu liên tục đi xuống, ban lãnh đạo có lý giải gì giúp nhà đầu tư yên tâm hơn
Ông Vũ Đức Tiến: Cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào thông tin của thị trường. Nhà đầu tư cần phân loại thông tin đâu là đúng đâu là sai. Các chỉ số tài chính của SHS tương đương với các công ty chứng khoán hàng đầu.
Tôi khẳng định rằng sau cơn mưa trời lại sáng, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Hỏi: Ban lãnh đạo có giải pháp để tăng thị phần thế nào?
Ông Vũ Đức Tiến: Từ giai đoạn 2017 - 2018, SHS là một trong những công ty có thị phần môi giới hàng đầu. Có hai lý do giảm thị phần. Thứ nhất là hệ thống công nghệ, nên chưa thể tham gia thị phần phái sinh. Thứ hai, đó là cạnh tranh của công ty chứng khoán, nhiều đơn vị trả hết phí cho môi giới, làm lỗ mảng môi giới.
Liệu nhà đầu tư có chấp nhận với kết quả lỗ như vậy. Câu hỏi đặt ra là đánh đổi tăng thị phần và hiệu quả. Biên phí của SHS đang là cao nhất thị trường.
Năm nay SHS trọng tâm cho phát triển môi giới. SHS năm nay chấp nhận giảm biên phí mảng môi giới để lấy lại thị phần. Mục tiêu lấy lại thị phần Top6 trên HOSE. Năm nay là năm của môi giới.
Hỏi: Nguyên nhân giảm giá của SHS những phiên gần đây?
Ông Vũ Đức Tiến: Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, chỉ số là quan trọng nhất. Câu chuyện tại một thời điểm về thông tin chỉ là ngắn hạn.
Hỏi: Định hướng phát triển công nghệ, SHS có chiến lược ra sao? Thời gian tới có chiến lược giao dịch T+0, SHS có chiến lược gì?
Ông Vũ Đức Tiến: Về phù hợp với KRX là bắt buộc phải làm. Phần core của SHS là nước ngoài. Về phát triển thế nào, SHS đang phối hợp với SHB. SHB đang phát triển rất mạnh ngân hàng số. Ông Vinh và ông Đức tham gia vào hội đồng quản trị. Ông Đức là một chuyên gia IT hàng đầu. SHS đang bổ sung nhân sự tốt nhất cho công nghệ.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình được cổ đông thông qua.