|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 22/8: Bluechips nâng đỡ, VN-Index áp sát 1.000 điểm trong kịch bản 'xanh vỏ đỏ lòng'

09:55 | 22/08/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 22/8, áp lực tại vùng tâm lí 1.000 điểm khiến đà tăng thị trường nhanh chóng bị thu hẹp, các nhóm dầu khí, cảng biển, chứng khoán xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh.

Kết phiên, VN-Index tăng 2,88 điểm (0,29%) lên 997,26 điểm; HNX-Index tăng 0,48% lên 103,5 điểm; UPCoM-Index giảm 0,09% xuống 57,79 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 186,5 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị 4.188 tỉ đồng; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 619 tỉ đồng.

Độ rộng thị trường phân hóa với 299 mã tăng giá, 320 mã giảm giá và 275 mã đóng cửa tại tham chiếu; đà tăng được hỗ trợ bởi một số bluechips như VIC, VHM, MSN, VJC, BVH, VNM.

Trong khi đó, các cổ phiếu bứt phá trong những phiên trước như MWG, FPT, PNJ, VCS, REE, GAS đều chứng kiến sự điều chỉnh. Các cổ phiếu ngân hàng cũng suy yếu về cuối phiên với BID, CTG, VIB đảo chiều giảm giá, VCB lùi về mốc tham chiếu.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 2,14 điểm (0,22%) lên 996,52 điểm; HNX-Index tăng 0,38% lên 103,4 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1% xuống 57,78 điểm.

Thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, các chỉ số vẫn tăng điểm mặc dù số mã giảm giá chiếm ưu thế. Riêng cổ phiếu VIC bật tăng 2% lên 124.900 đồng/cp, đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của thị trường.

Cổ phiếu thủy sản đồng loạt tăng mạnh với HVG, FMC tăng trần, cùng với đó MPC, AGF, CMX, ABT, ANV, VHC cũng giao dịch tích cực.

Hết phiên sáng, VN-Index tăng 0,55 điểm (0,06%) lên 994,93 điểm; HNX-Index tăng 0,36% lên 103,38 điểm; UPCoM-Index tạm dừng tại tham chiếu.

Mặc dù các chỉ số tăng điểm, độ rộng thị trường vẫn kém tích cực với 239 mã tăng giá, 310 mã giảm giá và 129 mã đứng giá. Thanh khoản cũng giảm đáng kể với 96,2 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị 1.949 tỉ đồng; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 113 tỉ đồng.

Nhóm VN30 có 10 mã tăng giá, trong đó riêng cổ phiếu VIC đóng góp gần một điểm cho chỉ số. Cùng với đó, nhóm dệt may giao dịch tích cực với TNG, TCM, STK, MSH, GMC.

Ngược lại, nhóm Viettel và cảng biển tiếp tục điều chỉnh, hiện chỉ có cổ phiếu TCL tăng 0,5%.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 0,07 điểm (0,01%) lên 994,45 điểm; HNX-Index tăng 0,19% lên 103,21 điểm; UPCoM-Index tăng 0,02% lên 57,85 điểm.

Áp lực bán tại mốc tâm lí 1.000 điểm khiến VN-Index lùi về quanh tham chiếu, thanh khoản thị trường cũng duy trì ở mức thấp với giá trị hơn 1.400 tỉ đồng.

Nhóm VN30 giao dịch cân bằng với 14 mã tăng và 12 mã giảm, trong khi một số nhóm cổ phiếu xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh như cảng biển, dầu khí, chứng khoán.

Tính đến 9h30, VN-Index tăng 2,68 điểm (0,27%) lên 997,06 điểm; HNX-Index tăng 0,71% lên 103,74 điểm; UPCoM-Index tăng 0,24% lên 57,98 điểm.

Tiếp đà tâm lí tích cực từ cuối phiên hôm qua, thị trường tăng điểm ngay từ đầu phiên với động lực đến từ các cổ phiếu VIC, VCB, CTG, VHM, BID, GAS, PLX, TCB, SAB.

Theo thông tin mới đây từ Cục Hàng không, Công ty Cổ phần hàng không Vinpearl Air (thuộc Tập đoàn Vingroup) đủ điều kiện để thành lập hãng hàng không với tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng KLB, MBB, ACB, BID, EIB, VCB, CTG, STB tiếp tục giao dịch khởi sắc, cùng với các cổ phiếu dầu khí như PVD, PXS, CNG, POW, PVS, PLX.

Đà tăng cũng lan tỏa sang nhóm bất động sản QCG, L14, KBC, NBB, NDN, ASM, DIG, KDH, LCG và chứng khoán với VIX, AGR, HCM, VND, SSI, CTS.

Trong khi đó, nhóm Viettel diễn biến ngược chiều khi chứng kiến các mã đều giảm như VTK, VTR, VGI, VTP.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 21/8 đồng loạt tăng điểm khi kết quả kinh doanh khả quan từ các tập đoàn bán lẻ như Target và Lowe's cải thiện tâm lí nhà đầu tư, bất chấp việc đoạn đường cong lợi suất quan trọng 2 năm - 10 năm đảo ngược, báo hiệu suy thoái kinh tế có thể đang đến.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 240 điểm (0,9%) lên 26.202,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 2.924,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,9% lên 8.020,21 điểm.

Các chỉ số giữ vững đà tăng mặc dù trong giờ giao dịch cuối cùng, đường cong lợi suất đoạn từ 2 năm đến 10 năm đảo ngược, cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế.

Sơn Tùng