|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 21/9: Khối ngoại bán ròng tại HOSE sau phiên tạm nghỉ, thỏa thuận hơn 100 tỷ đồng mã HHV tại UPCoM

16:42 | 21/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index giảm gần 11 điểm, khối ngoại quay lại bán ròng 443 tỷ đồng tại HOSE sau phiên tạm nghỉ trước đó. Đáng chú ý, nhóm này mua thỏa thuận 5,21 triệu cổ phiếu HHV tại UPCoM, tương đương giá trị 108 tỷ đồng.

Thị trường trải qua nhiều nhịp rung lắc trong phiên khiến nhà đầu tư không khỏi 'say sóng'. Điểm tích cực là đà giảm của VN-Index thu hẹp về cuối phiên nhờ áp lực bán chững lại ở nhóm vốn hóa lớn trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hồi phục.

Kết phiên, VN-Index giảm 10,64 điểm (0,79%) còn 1.339,84 điểm, VN30-Index giảm 12,44 điểm (0,85%) còn 1.446,22 điểm. Sàn HOSE hôm nay có 275 mã giảm giá, áp đảo so với 136 mã tăng giá và 36 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, song có phần yếu dần sau 14h00. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 1,18 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 29.754 tỷ đồng, giảm 5,5% so với phiên trước đó. Giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt trên 23.400 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào 1.033 tỷ đồng nhưng lại bán ra về giá trị 1.476 tỷ đồng. Theo đó, nhóm này quay lại bán ròng 443 tỷ đồng sau phiên mua ròng nhẹ đầu tuần, tương đương 14.152.400 đơn vị.

Phiên 21/9: Khối ngoại bán ròng tại HOSE sau phiên tạm nghỉ, mua thỏa thuận hơn 100 tỷ đồng mã HHV tại UPCoM - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dẫn đầu tại chiều bán là giao dịch chứng chỉ ETF nội FUEVFVND. Cụ thể, chứng chỉ của quỹ ETF DCVFMVN Diamond bị bán ròng 162 tỷ đồng, tương đương hơn 6,3 triệu đơn vị. Theo thống kê từ VNDirect, dòng vốn vào VNDiamond trong năm 2021 đã giảm dần kể từ tháng 8/2021.

Theo sau, chứng chỉ E1VFVN30 cũng bị bán ròng hơn 2,3 triệu đơn vị. Về giá trị, mã này bị rút ròng nhẹ hơn với 56,8 tỷ đồng.

Trở lại giao dịch trên thị trường cổ phiếu, "anh cả" HPG (Tập đoàn Hòa Phát) của ngành thép bị bán ròng hơn 97 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng được cho là đến từ động thái "thoát hàng" của nhiều lãnh đạo ngành thép khi giá cổ phiếu đã lập đỉnh.

Nối tiếp, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi nhóm bất động sản với các đại diện lớn như VIC (92,7 tỷ đồng), NLG (34 tỷ đồng), VRE (27,5 tỷ đồng), theo sau bán ròng một số mã như STB, DGC, MBB, BMI...

Phiên 21/9: Khối ngoại bán ròng tại HOSE sau phiên tạm nghỉ, mua thỏa thuận hơn 100 tỷ đồng mã HHV tại UPCoM - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Mặc dù bán ròng VIC và VRE, nhà đầu tư ngoại lại mua ròng hơn 86,4 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes. Chỉ riêng đà giảm 3% của bluechip này đã lấy đi của VN-Index hơn 2,7 điểm kết phiên 21/9.

Nối tiếp, lực cầu khối ngoại tìm đến VNM của Vinamilk với giá trị 74,4 tỷ đồng. Theo thông báo từ Vinamilk, cổ đông ngoại lớn là F&N Dairy Investments mới đây đã đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cp VNM từ ngày 22/9 đến ngày 21/10.

Một số cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có HSG, KBC, VHC, NKG, DXG, VCB, LCG...Đáng chú ý, mặc dù chốt lời chứng chỉ FUEVFVND và E1VFVN30, khối ngoại lại mua vào hơn 1 triệu chứng chỉ FUESSVFL của ETF SSIAM VNFIN LEAD.

Tại sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng trong phiên trước với 16,6 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là 368.640 cổ phiếu.

Cổ phiếu VNR của Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam dẫn đầu chiều bán ròng với 7,2 tỷ đồng. Đây được xem là động thái chốt lời của nhà đầu tư ngoại sau khi VNR đã tăng liên tục trong 7 phiên từ 9/9 đến 19/9.

Hai cổ phiếu tiếp theo tập trung lực bán ròng là VCS (4,3 tỷ đồng) và HUT (1,4 tỷ đồng). Theo sau, một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có PVS, PLC, DXP, IDJ...

Trở lại chiều mua, cổ phiếu PVG của CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam là mã duy nhất được mua ròng trên 1 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng nhẹ hơn lần lượt là KLF (867 triệu đồng), CLH (429 triệu đồng), BII (310 triệu đồng)....

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại trở lại mua ròng 94,6 tỷ đồng sau một phiên tạm nghỉ. Về khối lượng, nhóm này vào ròng 5.074.730 đơn vị cổ phiếu.

Nổi bật tại chiều mua là cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả. Mã này được mua ròng hơn 108 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên xuất hiện giao dịch "sang tay" 5,21 triệu đơn vị HHV tại mức giá 21.000 đồng, tương ứng tổng giá trị hơn 109,4 tỷ đồng.

Nối tiếp, dòng vốn ngoại rót ròng nhẹ hơn vào các mã PAS, ABI, VNB, TVN, WSB...

Chiều ngược lại, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi vẫn là mã bị bán ròng nhiều nhất với 14 tỷ đồng, tương đương trong phiên trước. Theo sau, khối ngoại cũng rút ròng khỏi VTP (3,3 tỷ đồng), VEA (2,5 tỷ đồng), CTR (530 triệu đồng),...

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.