|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân chuyển chốt lời tại HOSE trong phiên đầu tuần rung lắc

09:22 | 21/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên biến động đầu tuần (20/9), nhà đầu tư cá nhân đảo chiều bán ròng tại HOSE sau khi mua gom cuối tuần trước. Nhóm này chuyển bán ròng nhẹ sau động thái chốt lời hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như thực phẩm đồ uống và bộ ba "bank, chứng, thép".

Trong phiên đầu tuần (21/9), thị trường mở cửa với xu hướng tích cực khi sắc xanh hiện diện trong phần lớn thời gian giao dịch. Dù vậy, toàn bộ nỗ lực tăng điểm lại bị đánh đổ chỉ trong 15 phút cuối phiên ATC khi áp lực chốt lời tăng mạnh khiến các chỉ số giảm về gần mốc tham chiếu.

Điểm tích cực là VN-Index vẫn giữ được mốc 1.350 điểm, tuy đã giảm 2,16 điểm (0,16%). HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,25%) lên 358,87 điểm, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (0.05%) lên 97,45 điểm.

Đà rơi của thị trường xuất phát từ áp lực chốt lời mạnh ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm vốn hóa lớn cũng hạ nhiệt đáng kể. Mặc dù thanh khoản thị trường trong phần lớn thời gian giao dịch ở mức cao, dòng tiền tỏ ra dè chừng trong 20 phút cuối phiên khiến thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó.

Cụ thể, giá trị giao dịch toàn sàn đạt 31.473 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được giao dịch. Trong đó thanh khoản sàn HOSE là 24.533 tỷ đồng, giảm 5,5% so với phiên trước.

NĐT cá nhân chuyển chốt lời tại HOSE trong phiên đầu tuần rung lắc - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Ghi nhận tại sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân đảo chiều bán ròng 25 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh 56 tỷ đồng sau hai phiên mua gom mạnh trước đó.

Đồng thuận với các cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 137 tỷ đồng qua khớp lệnh. Tuy vậy tính cả giao dịch thỏa thuận, điểm tích cực là khối ngoại đã quay lại mua ròng 16,5 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi vị thế bán ròng trong 16 phiên liên tiếp tại HOSE.

Ở phía mua vào, tổ chức trong nước là bên mua gom chủ yếu 165 tỷ đồng, còn nhóm tự doanh công ty chứng khoán mua ròng nhẹ hơn với 28 tỷ đồng.

Dòng tiền đảo chiều tại nhóm thực phẩm đồ uống và bộ ba "bank, chứng, thép"

Tính riêng kênh khớp lệnh sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân ghi nhận bán ròng tại 5/18 ngành. Tuy vậy, lực xả tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm đồ uống và bộ ba cổ phiếu "bank, chứng, thép" khiến cho chiều bán áp đảo hơn về giá trị.

Cụ thể, các cổ phiếu ngành thực phẩm đồ uống bị bán ròng hơn 130 tỷ đồng, giảm mạnh so với lực cầu trong phiên cuối tuần trước. Nối tiếp, dòng tiền đảo chiều tại cả ba nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) và tài nguyên cơ bản (chủ yếu là thép) khiến ba nhóm này bị xả ròng đồng loạt gần 100 tỷ đồng.

Ngân hàng là nhóm cổ phiếu giao dịch ấn tượng nhất ngày hôm nay khi tăng về cả với giá trị giao dịch và chỉ số giá ngành. Theo đó, nhóm này tác động tích cực nhất tới VN-Index khi đóng góp cho chỉ số 0,4% tăng điểm.

Trong khi đó, cổ phiếu thép lại là một trong những nhóm giảm mạnh sau khi đã đồng loạt "dậy sóng" trong tuần trước. Đây có thể là động thái chốt lời của nhà đầu tư cá nhân trước thông tin bán ra cổ phiếu của một số vị lãnh đạo tại các công ty thép.

NĐT cá nhân - Ảnh 1.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chiều ngược lại, bất động sản là nhóm duy trì giao dịch tích cực nhất trong phiên khi vẫn được các cá nhân mua ròng 141 tỷ đồng. Điểm cần lưu ý là quy mô giải ngân vẫn giảm mạnh so với cuối tuần trước.

Cùng chiều, giao dịch mua ròng xuất hiện với quy mô khiêm tốn hơn tại một số nhóm như hóa chất (52 tỷ đồng), bán lẻ (37,1 tỷ đồng), dầu khí (28 tỷ đồng)....

Tâm điểm rút ròng mạnh nhất khỏi HPG, VNM trong khi mua gom VIC

Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát là tâm điểm tại chiều bán với giao dịch rút ròng gần 154 tỷ đồng. Áp lực chốt lời liên tục gia tăng khiến mã này trả lại 0,97% giá trị đã tăng trong phiên cuối tuần trước.

Động thái này được cho là đến từ làn sóng thoái vốn của các lãnh đạo doanh nghiệp thép khi giá cổ phiếu ở vùng đỉnh như NKG, TLH, SMC..Bên cạnh đó, trong phiên đầu tuần 20/9, giá thép xây dựng trên sàn Thượng Hải giảm mạnh do tốc độ cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc đạt tốc độ nhanh và dự kiến sẽ duy trì trong những tuần tới.

Nối tiếp, dòng vốn cá nhân cũng rút ròng trên 100 tỷ đồng tại cổ phiếu VNM của Vinamilk. Trên thị trường, giá giao dịch của VNM đã tăng liên tục trong 3 phiên gần nhất.

Chiều bán ròng trong phiên 20/9 có sự xuất hiện của nhiều đại diện nhóm ngân hàng - chứng khoán như VCI (63,7 tỷ đồng), TCB (56,4 tỷ đồng), LPB (38,4 tỷ đồng), VND (31,8 tỷ đồng), STB (30,9 tỷ đồng) và TPB (29,9 tỷ đồng).

NĐT cá nhân - Ảnh 2.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại chiều mua, giao dịch mua ròng lớn nhất vẫn tập trung tại cổ phiếu VIC của Vingroup (163 tỷ đồng). Trong phiên, 422,78 triệu cổ phiếu VIC đã được niêm yết bổ sung và nhà đầu tư có thể bắt đầu giao dịch từ ngày 24/9.

Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có CTG, NVL, HSG, MWG, FPT...

Thảo Bùi