|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 14/4: Khối ngoại bán ròng cổ phiếu thép, chứng khoán trong khi gom mạnh nhóm hóa chất

17:45 | 14/04/2022
Chia sẻ
Sau một phiên mua ròng mạnh nhờ giao dịch đột biến, khối ngoại quay lại xu hướng bán ròng 218 tỷ đồng, hay 7,5 triệu đơn vị. Xu hướng bán ròng diễn ra trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành như kim loại, dịch vụ tài chính, sản xuất thực phẩm...

Thị trường về cuối phiên tương đối ảm đạm với thanh khoản phiên nay tiếp tục giảm nhẹ. Ngoài nhóm phân bón có yếu tố đột biến có lực cầu thì các nhóm cổ phiếu khác vẫn rất phân hóa.

Đóng cửa, VN-Index giảm 5,08 điểm (0,34%) còn 1.472,12 điểm, HNX-Index giảm 3,76 điểm (0,88%) xuống 423,69 điểm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,1%) lên 113,41 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 271 mã giảm, trong khi có 285 mã tăng và 45 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 21.170 tỷ đồng, tương đương gần 618 triệu cổ phiếu được mua bán.

 Xu hướng giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)

Tại sàn HOSE, sau một phiên mua ròng mạnh nhờ giao dịch đột biến, khối ngoại quay lại xu hướng bán ròng 218 tỷ đồng, hay 7,5 triệu đơn vị. Xu hướng bán ròng diễn ra trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành như kim loại, dịch vụ tài chính, sản xuất thực phẩm.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Thống kê top10 mã bị bán ròng nhiều nhất trong phiên, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu khi bị xả ròng gần 3,8 triệu đơn vị. Về quy mô, mã này bị bán ròng hơn 171 tỷ đồng, bỏ xa những mã còn lại trong danh mục và khiến HPG giảm về mức 44.900 đồng/cp sau hơn 2 tuần liên tiếp bị bán ra.

Là một trong những tâm điểm chốt lời trong phiên, hai đại diện lớn của nhóm dịch vụ tài chính là VND của Chứng khoán VNDirect và VCI của Chứng khoán Bản Việt lần lượt bị bán 89,3 tỷ đồng và 25,4 tỷ đồng. 

Nối tiếp, danh mục xả ròng được nối dài tại nhiều đại diện vốn hóa lớn, lần lượt là VHM (41,4 tỷ đồng), VNM (40,4 tỷ đồng), VCB (23,2 tỷ đồng), trước khi tập trung ở một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng như NLG (36,6 tỷ đồng), KDH (24,4 tỷ đồng), CTR (18 tỷ đồng)...

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Điểm sáng ở danh mục mua ròng của khối ngoại tập trung ở nhóm hóa chất, phân bón. Nhà đầu tư ngoại có động thái mua ròng tập trung ở bộ ba DGC của Hóa chất Đức Giang (92,6 tỷ đồng), DPM của Đạm Phú Mỹ (63,1 tỷ đồng) và DCM của Đạm Cà Mau (43,3 tỷ đồng). Đây cũng là nhóm đóng góp tích cực giúp chỉ số không giảm quá sâu về cuối phiên.

Kế đó, lực cầu 58,3 tỷ đồng tiếp tục tìm đến GEX của Gelex , tuy giá trị mua gom đã giảm hơn 30% so với phiên liền trước. Một số mã cũng ghi nhận giao dịch tích cực trong phiên còn có NVL (38,8 tỷ đồng), TNH (13,5 tỷ đồng), VRE (11 tỷ đồng), KBC (10,8 tỷ đồng), GAS (10 tỷ đồng)....

 

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng đảo chiều bán ròng trở lại với quy mô 7,8 tỷ đồng, tương đương xả ròng 312.240 đơn vị cổ phiếu.

Tại chiều bán, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân là mã bị bán ròng chủ yếu với 16,5 tỷ đồng. Nối tiếp, nhóm này đảo chiều chốt lời lần lượt tại SHS (9,4 tỷ đồng) và BCC (1,6 tỷ đồng), trước khi bán nhẹ hơn tại danh mục gồm TNG, CLH, PVG...

Nổi bật ở chiều mua vào, lực cầu tập trung với quy mô hơn 9 tỷ đồng ở bộ đôi IDC của Tổng CTCP IDICO và PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Theo sau, giao dịch mua vào chỉ được ghi nhận tại PLC, IVS, TVD...với quy mô dưới 1 tỷ đồng.

Ở thị trường UPCoM, giao dịch đồng thuận với phần còn lại của thị trường khi nhà đầu tư ngoại bán ròng về giá trị 7,2 tỷ đồng, tạm dừng chuỗi mua ròng kéo dài nhiều phiên.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu VTP của Viettel Post tiếp tục bị chốt lời nhiều nhất với 20,2 tỷ đồng. Bất chấp lực xả ngoại, mã này có phiên tăng hơn 6% lên mức giá 82.000 đồng/cp. Nhóm này cũng bán ròng 1,4 tỷ đồng cổ phiếu ACV, trước khi bán nhẹ hơn BSR (618 triệu đồng), PVP (468 triệu đồng)...

Chiều ngược lại, nhóm này tập trung rót ròng 8,7 tỷ đồng vào mã QNS của Đường Quảng Ngãi, theo sau mua gom lần lượt các mã LTG (1,7 tỷ đồng), QTP (1,6 tỷ đồng), VEA (1,2 tỷ đồng)...

Thảo Bùi

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.