|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 12/11: Khối ngoại quay lại mua ròng 213 tỷ đồng, tập trung mua gom nhóm ngân hàng, chứng khoán

17:05 | 12/11/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường lấy lại đà tăng, giao dịch khối ngoại cũng quay lại trạng thái tích cực khi nhóm này mua gom khoảng 213 tỷ đồng tại HOSE. Tâm điểm của dòng vốn ngoại là nhóm ngân hàng, với các đại diện như CTG, STB, VCB.

Là nhóm vốn hóa lớn thị trường, cú "trở mình" của cổ phiếu ngân hàng giúp khiến thị trường chứng khoán phiên cuối tuần bất ngờ tăng mạnh cuối phiên và lấy lại toàn bộ điểm số đã mất trong ba phiên điều chỉnh trước đó. Nhìn chung, VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi ngang tích lũy trước khi tiến đến thử thách các vùng cao mới.

Kết phiên, VN-Index tăng 11,02 điểm (0,75%) lên 1.473,37 điểm, HNX-Index tăng 2,9 điểm (0,66%) đạt 441,63 điểm, UPCoM-Index tăng 1,45 điểm (1,33%) lên 110,66 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua với 796 mã tăng, 408 mã giảm và 160 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, có tới hơn 200 cổ phiếu tăng trần trên toàn sàn, chủ yếu là các mã thị giá thấp trên thị trường UPCoM.

Phiên 12/11: Khối ngoại quay lại mua ròng 213 tỷ đồng, tập trung mua gom nhóm ngân hàng, chứng khoán - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trên sàn HOSE, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng hơn 213 tỷ đồng giữa những nhịp rung lắc của thị trường, tương đương hơn 4,6 triệu đơn vị. Theo quan sát, giao dịch tích cực nhất tập trung ở các nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính và bán lẻ.

Phiên 12/11: Khối ngoại quay lại mua ròng 213 tỷ đồng, tập trung mua gom nhóm ngân hàng, chứng khoán - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Xét giá trị cụ thể, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là mã ghi nhận giao dịch tích cực nhất với hơn 117 tỷ đồng mua ròng, tương đương hơn 3,6 triệu đơn vị. Theo sau, một số cổ phiếu của các nhà băng cũng được mua gom mạnh lần lượt là STB (78,4 tỷ đồng), VCB (39,4 tỷ đồng), HDB (20,5 tỷ đồng).

Lực cầu trên 100 tỷ đông cũng xuất hiện ở cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan. Giao dịch tích cực xuất hiện ngay sau khi MSN và SK Group vừa công bố ký kết thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt 345 triệu USD, trong đó SK Group đầu tư 340 triệu USD.

Theo sau, một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có GAS (36 tỷ đồng), DGW (24,9 tỷ đồng), DCM (12,8 tỷ đồng). Là nhóm thu hút lượng lớn lực cầu, hai đại diện của nhóm dịch vụ tài chính cũng góp mặt ở chiều mua ròng là VCI và VND.

Phiên 12/11: Khối ngoại quay lại mua ròng 213 tỷ đồng, tập trung mua gom nhóm ngân hàng, chứng khoán - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại bên bán, giao dịch xả ròng lớn nhất vẫn tập trung ở cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Tuy vậy, điểm tích cực là quy mô bán ròng đã giảm hơn 73% so với phiên thứ Năm (11/11).

Nối tiếp, giao dịch bán ròng chủ yếu tập trung ở PLX (40,3 tỷ đồng), CMX (23,5 tỷ đồng), PVD (21 tỷ đồng), GEX (17,5 tỷ đồng). Áp lực bán vẫn tập trung phần lớn ở cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, trong đó phải kể đến NLG (25,2 tỷ đồng), VIC (22,7 tỷ đồng), KBC (19,3 tỷ đồng), BCM (14,7 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, xu hướng bán ròng được kéo dài trong phiên thứ 4 liên tiếp với quy mô rút ròng 14,9 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 990.535 đơn vị cổ phiếu.

Cụ thể, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam bị rút ròng lớn nhất với 12,3 tỷ đồng. Theo quan sát, các cổ phiếu dầu khí đang chịu áp lực chốt lời sau khi liên tục tăng điểm trong những phiên gần đây. Theo sau, nhóm này cũng tập trung bán ròng các cổ phiếu HUT (7,7 tỷ đồng), NBC (3,4 tỷ đồng), HLD (1,5 tỷ đồng), API (1,4 tỷ đồng)....

Ở chiều mua ròng, nhà đầu tư ngoại mua gom cổ phiếu SHS (8,9 tỷ đồng) của nhóm dịch vụ tài chính. Nối tiếp, dòng tiền ngoại cũng tìm đến các mã VCS (5,1 tỷ đồng), DL1 (1,5 tỷ đồng), PPS (444 triệu đồng),...

Tương tự, tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư ngoại đảo chiều bán ròng ngay sau một phiên mua nhẹ với 18,1 tỷ đồng, tương đương 533.015 đơn vị cổ phiếu.

Đóng góp phần lớn cho chiều bán ròng trong phiên là lực xả hơn 34,5 tỷ đồng cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi. Giao dịch diễn ra ngay sau khi mã này được mua gom hơn 10 tỷ đồng trong phiên liền trước.

Kế tiếp, nhóm này chỉ rút ròng nhẹ hơn tại một số cổ phiếu, lần lượt là MSR (1,5 tỷ đồng), VEA (1,1 tỷ đồng), HPP (399 triệu đồng),...

Tại chiều mua, dòng tiền ngoại tập trung rót ròng vào bộ ba cổ phiếu gồm VTP (9,9 tỷ đồng), NTC (5,6 tỷ đồng), VGT (1,4 tỷ đồng). Các mã được giao dịch cùng chiều lần lượt phải kể đến ACV, CTR, FOC, HHV...

Thảo Bùi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.