|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 11/11: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, tập trung xả cổ phiếu bất động sản, thép

16:29 | 11/11/2021
Chia sẻ
Trong phiên nhóm VN30 tiếp tục ngăn cản đà tăng của chỉ số, khối ngoại đẩy mạnh quy mô rút ròng tại HOSE lên 1.209 tỷ đồng. Tâm điểm giao dịch thuộc về nhóm bất động sản, kim loại, với một số bluechips bị rút ròng chủ yếu như HPG, VHM.

Áp lực bán tại nhóm vốn hóa lớn một lần nữa ngăn bước quá trình đi lên của chỉ số, VN-Index đảo chiều giảm gần 3 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, nhóm VN30 có 22 mã giảm giá, áp đảo so với 8 mã tăng giá. Những cổ phiếu ngược dòng tăng phiên hôm nay có KDH, PDR, MWG, PLX, GVR, PNJ, NVL và VCB, với tỷ lệ tăng 0,7 - 3,1%.

Kết phiên, VN-Index giảm 2,67 điểm (0,18%) còn 1.462,35 điểm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (0,11%) lên 438,73 điểm, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (0,41%) còn 109,21 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ khi tổng khối lượng giao dịch đạt trên 1,6 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị hơn 46.000 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên trước đó. Giao dịch trên HOSE hôm nay đạt trên 38.100 tỷ đồng, chỉ xếp sau phiên 20/8 và 3/11 vừa qua.

Phiên 11/11: Khối ngoại - Ảnh 1.

Trên sàn HOSE, giao dịch khối ngoại duy trì xu hướng rút ròng với giá trị bán ròng được đẩy mạnh lên 1.209 tỷ đồng, tăng gần 50% so với phiên trước. Về khối lượng, nhóm này rút ròng hơn 27 triệu đơn vị, tập trung ở thị trường cổ phiếu.

Phiên 11/11: Khối ngoại - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cụ thể, giao dịch rút ròng lớn nhất tập trung ở hai cổ phiếu bluechips HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát và VHM của CTCP Vinhomes. Trong đó, HPG dẫn đầu khi bị bán ròng lên đến gần 295 tỷ đồng, còn VHM theo sau với 151 tỷ đồng. Theo ghi nhận, sau khi mua ròng liên tiếp cổ phiếu HPG trong 5 phiên đầu tháng 11, khối ngoại đã đảo chiều chốt lời mã này trong 3 phiên gần đây.

Nối tiếp, lực xả tập trung ở cổ phiếu GEX (122 tỷ đồng). Trái ngược với giao dịch của nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GELEX lại đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu GEX từ ngày 15/11 đến ngày 14/12.

Bên cạnh VHM, nhóm này duy trì rút ròng mạnh khỏi các cổ phiếu xây dựng, địa ốc, trong đó lần lượt phải kể đến các đại diện DXG (89,2 tỷ đồng), VRE (59,5 tỷ đồng), KBC (37,7 tỷ đồng). Bên cạnh đó, hai ông lớn nhóm chứng khoán là VND và SSI cũng bị bán ròng lần lượt 110 tỷ đồng và 35,2 tỷ đồng.

Phiên 11/11: Khối ngoại - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua ròng, giao dịch chưa có nhiều khởi sắc khi khối ngoại chỉ duy trì mua ròng trên 50 tỷ đồng cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền. Ghi nhận trên thị trường, khối ngoại đã liên tục mua gom cổ phiếu này trong 5 phiên giao dịch gần đây.

Nối tiếp, dòng tiền ngoại cũng tìm đến một số đại diện với giá trị khiêm tốn hơn, lần lượt là DBC (21,9 tỷ đồng), GEG (18,9 tỷ đồng), VHC (15,3 tỷ đồng), VCI (15 tỷ đồng)...Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, chứng chỉ ETF nội E1VFVN30 cũng bất ngờ được mua ròng nhẹ 454.500 đơn vị, tương đương 11,6 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, xu hướng bán ròng được kéo dài với một phiên rút ròng 10,2 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 1.147.318 đơn vị cổ phiếu.

Cụ thể, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O tiếp tục là mã bị rút ròng nhiều nhất với 13 tỷ đồng. Theo ghi nhận, mã này đã tăng liên tục 6 phiên liên tiếp, trong đó có 4 phiên tăng kịch biên độ. Theo sau, nhóm này cũng tập trung mua gom cổ phiếu NDN (3,4 tỷ đồng), MBG (2,8 tỷ đồng), HLD (2,4 tỷ đồng), HUT (1,4 tỷ đồng)....

Ở chiều mua ròng, nhóm này duy trì tập trung mua gom cổ phiếu THD (5,2 tỷ đồng). Nối tiếp, dòng tiền ngoại cũng tìm đến các mã PVS (3,1 tỷ đồng), VCS (2,4 tỷ đồng), BVS (2 tỷ đồng), BCC (2 tỷ đồng).

Có phần tích cực hơn, tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư ngoại bất ngờ trở lại mua ròng hơn 19 tỷ đồng, tương đương 294.337 đơn vị cổ phiếu.

Theo đó, khối ngoại bất ngờ đảo chiều mua gom cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi (10,5 tỷ đồng), qua đó chấm dứt chuỗi 12 phiên bán ròng tại UPCoM. Bên cạnh đó, nhóm này cũng bán ròng mã NTC (5 tỷ đồng), VEA (2,1 tỷ đồng), CLX (1,6 tỷ đồng), VTP (1,3 tỷ đồng)...

Trở lại phía bán ròng, hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là BDT (1,8 tỷ đồng) và RGC (1,4 tỷ đồng). Một số mã cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều với quy mô dưới 1 tỷ đồng còn có ACV, ABI, VRG, BSR, DDV...

Thảo Bùi