Phát triển năng lượng Việt Nam, doanh nghiệp LNG cần gỡ rối cơ chế chính sách
Năng lượng LNG là xu thế toàn cầu, nhưng lại đang vướng
Tại Diễn đàn Năng lượng cấp cao Việt Nam 2020 diễn ra ngày 22/7, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc chuyển dịch cơ cấu trong thời gian qua cho thấy ngành năng lượng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhanh, lớn mạnh cả qui mô tốc độ tăng trưởng khoảng 4,7%/năm.
Nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh. Thủy điện cũng đã phát triển nhanh trong cơ cấu năng lượng sơ cấp từ 4,8% năm 2007 lên mức trên 10% hiện nay; còn trong cơ cấu nguồn điện thì thủy điện chiếm 43% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay, hạ tầng đảm bảo cung cấp năng lượng nước ta còn chưa thực sự hoàn chỉnh, đồng bộ, đặc biệt trong bối cảnh mới, khi nhu cầu nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp là than và LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng) ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh của các nguồn điện gió, điện mặt trời tại một số khu vực, địa phương có điều kiện thuận lợi đã tạo ra những áp lực rất lớn trong lĩnh vực truyền tải điện
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Khí Việt Nam cho rằng, năng lượng LNG là xu thế toàn cầu và nhu cầu bức thiết để bổ sung điện khí trong những năm tới nhưng có một số đặc thù trong việc tổ chức thực hiện chuỗi giá trị LNG.
Phân tích cụ thể, theo ông Bình, chuỗi LNG bao gồm nhiều thành phần có tính gắn kết cao, từ khâu tìm kiếm nguồn cung LNG, xây dựng kho cảng tiếp nhận và tái hóa khí, hệ thống đường ống vận chuyển khí, công tác phát triển khách hàng, hợp đồng thương mại, liên kết chuỗi kéo dài hàng chục năm và có giá trị về mặt tài chính lớn với những hợp đồng lên đến hàng chục tỉ USD.
Việc triển khai chuỗi cần sự đồng bộ, xuyên suốt giữa các khâu thành phần, để đảm bảo các thành phần trong chuỗi được liên kết chặt chẽ và có hiệu quả.
Do chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và giá trị hợp đồng mua bán lớn, chủ đầu tư thực hiện chuỗi giá trị này phải là các đối tác, công ty có đủ năng lực cả về chuyên môn và tài chính.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, mặc dù hiện nay đã có các qui định trong ngành nhưng vẫn thiếu các qui định cụ thể, chi tiết nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Bà Bùi Thị Hồng Vân, Giám đốc Angelin Energy cho biết, hiện tại, Angelin Energy đang hợp tác với đối tác chiến lược là Tập đoàn dầu khí quốc gia Nhật - Japex (Japan Petroleum Exploration) thực hiện dự án sản xuất LNG qui mô nhỏ.
Thực tế theo bà Vân, nguồn khí LNG hiện nay đang dư cung, vấn đề là nhà đầu tư lựa chọn khu vực và đàm phán với người bán để được giá hợp lí nhất. Trở ngại lớn nhất của các dự án điện khí LNG không phải vấn đề giá khí, mà ở các cơ chế chính sách phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm.
"Việc đầu tư cầu cảng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn, trong thời gian rất dài, mất tới 2-3 năm. Như vậy là rất chậm trong khi khách hàng khu công nghiệp lại rất "khát" nguồn LNG", bà Vân chia sẻ.
Doanh nghiệp cần gỡ rối
Trước thực tế khó khăn, đại diện Angelin Energy mong muốn cơ quan quản lí sẽ tạo cơ chế, mở ra cơ hội để các nhà đầu tư FDI có thể đầu tư, nhập khẩu và phát triển các dự án này tại thị trường Việt Nam.
Theo bà Vân, ở Nhật có giải pháp sử dụng LNG chứa trong LNG iso tank (container bồn để vận chuyển LNG) và có thể vận chuyển bằng cầu cảng thông thường từ Malaysia hoặc Indonesia về Việt Nam.
Giải pháp này có thể giải quyết nhanh được nhu cầu của khách hàng khu công nghiệp, mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam về cầu cảng và trạm điện.
"Chúng tôi mong Bộ Công thương sẽ gỡ rối cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đọc thông tư, nghị định, nhưng vẫn vướng mắc ở chỗ nhập khẩu container iso tank đó sẽ như thế nào, qui trình ra sao", bà Vân bày tỏ.
Phản hồi doanh nghiệp về vấn đề này, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam chưa bao giờ nhập khẩu LNG tuy nhiên tất cả văn bản pháp luật qui định về việc kinh doanh khí, bao gồm LNG, thì đã có, có thể qui định chưa đầy đủ vì chưa có hình thức nhập khẩu LNG và qui chuẩn về iso tank.
"Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, nếu có vấn đề, các công ty có thể có văn bản hỏi, các cơ quan quản lí nhà nước sẽ trả lời", bà Quỳnh nói.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 55 đã đề ra một số quan điểm về định hướng chuyển dịch cơ cấu năng lượng cụ thể.
Trong đó, ưu tiên phát triển điện khí, đảm bảo yêu cầu đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045. Cần có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lí, chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện…
Về phát triển hạ tầng năng lượng, cần chú trọng phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương. Đối với ngành dầu khí, cần ưu tiên đầu tư hạ tầng kĩ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG.
Ngoài ra, trong bối cảnh Qui hoạch điện VIII đang được xây dựng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, qui hoạch này sẽ tạo ra không gian phát triển nguồn điện phù hợp.
Theo đó, khu vực nào có lợi thế thì làm, như điện gió phát triển ở khu vực Nam Trung Bộ, điện mặt trời ở Tây Nguyên, điện khí có thể đầu tư ở khu vực có cảng nước sâu.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cảnh báo, việc qui hoạch điện phải gắn với qui hoạch hạ tầng, hệ thống đường truyền tải điện, hệ thống kho cảng, hệ thống dẫn khí.... vì vướng mắc hiện nay là kho cảng khí chưa có qui hoạch rõ ràng, hệ thống đường dẫn khí... nên "mạnh ai nấy làm, có thể dẫn tới khủng hoảng nếu không kiểm soát tốt".
"Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở qui hoạch, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Công thương lập kế hoạch từng thời kì, công bố cho các nhà đầu tư biết. Đây là để tạo môi trường đầu tư nhưng cũng là công cụ kiểm soát phát triển bền vững năng lượng", ông Dũng nhấn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/