|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các Luật thu hút đầu tư ngành năng lượng cần sớm sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo

17:30 | 22/07/2020
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng.

Tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 sáng ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

"Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7/2020, nhưng có những việc Bộ Công Thương đã phải triển khai sớm, thậm chí triển khai từ khi chưa có Chương trình hành động của Chính phủ để sớm có những giải pháp thực hiện", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Hiện, Bộ Công Thương triển khai xây dựng Qui hoạch điện VIII, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020, cùng với đó là Qui hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2020, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam.

Đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Qui hoạch điện VII trong khi chờ Qui hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các Luật thu hút đầu tư ngành năng lượng cần sớm sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 sáng ngày 22/7. Ảnh: Bộ Công Thương.

Nêu ra những khó khăn, vướng mắc tại các qui định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực… Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng các vướng mắc còn nằm rải rác tại một số luật, như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản...

“Các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mâu thuẫn về chính sách, tạo hành lang pháp lí thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo thời gian vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá: "Nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kì vọng".

Vì vậy, để thu hút các thành phần kinh tế khác có điều kiện tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số qui định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lí rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào phát triển hệ thống điện.

“Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng”, Bộ trưởng thông tin.

Về vấn đề môi trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với phát triển ngành năng lượng thời gian tới là phải bảo đảm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.

Để hoàn thành được mục tiêu này, Chính phủ sẽ cho triển khai áp dụng các mô hình sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; áp dụng giải pháp thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các cơ sở, trung tâm phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại và siêu thị; hoàn thiện khung chính sách, xây dựng và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng.

“Trên cơ sở đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Cơ chế sản xuất công nghiệp phát thải thấp và gắn sản xuất công nghiệp với cơ chế nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công thương để phế thải, phế phẩm và chất thải của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện còn nhiều thách thức, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ...

“Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. 

Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng”, ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.

Như Huỳnh