|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Việt Nam là điểm sáng trên thế giới về phát triển năng lượng tái tạo'

20:48 | 09/07/2020
Chia sẻ
Mặc dù đã đạt những bước phát triển vược bậc tuy nhiên việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định, cần có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Điện năng lượng tái tạo đã đạt trên 5.500 MW 

Sáng ngày 9/7, tại Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000 MW. 

Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo thì công suất mới đạt gần 60.000 MW.

Tuy nhiên theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW các loại.

điện - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Như Huỳnh.

Trong bối như vậy, việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, đăc biệt là gió và mặt trời để sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia và nhiều lợi ích khác…là một trong những xu hướng và giải pháp quan trọng hiện nay.

Thống kê trong vài năm trở lại đây, điện năng lượng tái tạo đã có bước phát triển vượt bậc đạt trên 5.500 MW.

Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành; trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà có trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, chỉ tính từ khi có Quyết định 11 đến nay, đã thu hút được 4.500 MW nối lưới, khuyến khích người dân lắp đặt được khoảng 500 MW điện mặt trời mái nhà và trên 400 MW điện gió đang vận hành. 

Đồng thời hiện cũng đã có khoảng gần 3.000 MW điện mặt trời, 2.000 MW điện gió đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay và năm 2021.

Các dự án đi vào vận hành không chỉ đóng góp sản lượng điện trên 3 tỉ kWh/tháng, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia mà còn giúp hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, doah nghiệp, người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Cần có thêm cơ chế khuyến khích

Theo các chuyên gia mặc dù rất tiềm năng song sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của năng lượng tái tạo thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế nhất định. 

Ví dụ như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời qui mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với điện mặt trời áp mái, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kì vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kĩ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.

điện - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn và khuyến khích đầu tư, phát triển nguồn năng lượng tiềm năng này, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc phát triển thương hiệu Công ty Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (Solar BK) đề xuất Chính phủ cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển trong nước và xuất khẩu như bảo hộ sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành và liên ngành.

Cùng với đó, sở, ngành sớm có những chương trình hành động phổ biến rộng rãi qui chuẩn chất lượng thiết bị phù hợp với thị trường Việt Nam; khuyến khích và thúc đẩy chương trình đổi mới công nghệ, phát triển bền vững...

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng nhu cầu tiêu thụ điện áp mái trong 10 năm tới rất lớn, nhất là giải pháp điện đô thị phải là năng lượng tái tạo.

Theo TS. Hiển, công nghệ Sola, cơ chế lắp đặt và sử dụng điện đã cho phép người dân sử dụng điện mặt trời áp mái  hiệu quả. Nếu sử dụng nguồn điện này thay thế một phần điện quốc gia, thì tỉ suất sinh lời trên vốn đầu tư bình quân 5 năm là 15%/năm; hoàn vốn đầu tư từ 5 - 6 năm (đã đo tính toán liên tục trong 6 tháng).

"Nếu gắn điện mặt trời áp mái vào sự phát triển bất động sản thì vừa đáp ứng được nhu cầu điện, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng trưởng kinh tế một cách bền vững", vị chuyên gia khẳng định.

Do đó, ông đề xuất đưa ra tiêu chuẩn mã năng lượng với các tòa nhà và đặt chỉ tiêu điện năng lượng tái tạo cho các dự án khu đô thị, chung cư, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới.

Về phía Tập đoàn điện lực Việt Nam, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN kiến nghị Chính phủ cần khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà.

Đồng thời có cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà; Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và công nghệ sớm ban hành tiêu chuẩn điện mặt trời áp mái nhà; Ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời áp mái nhà tại Việt Nam…

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Việt Nam là điểm sáng trên thế giới về phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 3.

Các sản phẩm của doanh nghiệp giới thiệu bên lề hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Trước những ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo đã hết sức rõ ràng.

Chính phủ đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

Đồng thời với vai trò là cơ quan quản lí ngành, Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo. tại Việt Nam.

Như Huỳnh