Phát triển kinh tế tạo áp lực lên di sản
Ngày 8-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế về vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
20 năm được công nhận là DSVH thế giới, Hội An và Mỹ Sơn được đánh giá đã làm rất tốt công tác bảo tồn và phát triển nhưng lại đang ở giai đoạn đầy thách thức khi du lịch phát triển ồ ạt.
Cộng đồng phải là trụ cột
Đề cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn, ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn - cho biết ban quản lý đã áp dụng một mô hình quản lý bảo tồn dựa vào sự xích lại của cộng đồng dân cư với di sản.
"Sự phát triển bền vững phải hướng người dân, cộng đồng vào di sản. Ban Quản lý đã đưa giáo dục di sản vào học đường, phổ biến pháp luật, tránh xâm hại công trình kiến trúc, hỗ trợ sinh kế cho người dân…" - ông Hộ nói.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An, nhìn nhận Hội An đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước là do Hội An đã thực hiện thành công bảo tồn DSVH không tách rời với cảnh quan thiên nhiên, gắn với phát triển kinh tế du lịch và phát triển thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
"Mọi chủ trương, chính sách, định hướng phải xuất phát từ lợi ích chung và gắn chặt với ý thức cộng đồng, từng người dân, các tổ chức chính trị xã hội. Công khai, minh bạch các quy hoạch và chú trọng tuyên truyền kiến thức về di sản, nhất là cho thế hệ trẻ" - ông Trung nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng cả hai DSVH này đang đứng trước những thách thức sau thời gian phát triển. Ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục DSVH, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân ở Hội An đang là nguy cơ ảnh hưởng đến di sản.
"Trước đây, chúng ta thực hiện rất tôn trọng nhưng hiện bên trong di sản Hội An đã thay đổi, cụ thể là thay đổi chủ sở hữu các công trình, nhà trong phố cổ. Đồng thời, người dân ở địa phương khác tới đây kinh doanh" - ông Thành nói.
Vì vậy, theo ông Thành, cơ quan nhà nước cần ban hành những quy định mới để tăng cường sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ hiệu quả hai di sản Mỹ Sơn và Hội An.
"Sắp tới, sẽ bổ sung quyền của người dân, cộng đồng vào công tác bảo vệ di sản trong những luật có liên quan. Trên thực tế, quy định của nhà nước đã đề cập đến vấn đề trên nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế.
Vấn đề này Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Quảng Nam sẽ sớm thay đổi để cộng đồng tham gia vào bảo tồn di tích, nhất là trước sự thay đổi chủ sở hữu các công trình cổ ở Hội An" - ông Thành lưu ý.
Hội An cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng, nhất là người địa phương để gìn giữ bản sắc. Ảnh: QUANG LUẬT
Xem trọng di sản ký ức
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị DSVH Việt Nam, di sản ký ức là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị thặng dư cho các di sản.
"Chính hồi ức của những nhà khoa học khi thực hiện nghiên cứu, ký ức của cộng đồng dân cư khi tham gia, bảo vệ và tôn tạo di sản chính là phần còn thiếu để tạo nét riêng, tạo hồn cho các DSVH".
Theo TS Lý, cần nhìn lại và đánh giá những di sản nào gắn liền với Hội An, Mỹ Sơn. Trong đó, có di sản có thể tái sáng tạo để tạo ra kinh tế, giá trị gia tăng về vật chất, tinh thần.
"Hai di sản này vẫn chưa có sự ưu tiên cho các di sản cần bảo vệ. Vì vậy, cần kiểm kê dựa vào cộng đồng. Trong khi đó, theo các nguyên tắc của UNESCO, bảo vệ di sản cần lôi kéo sự tham gia của các cộng đồng, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ…" - TS Lý nói.
ThS-KTS Đặng Khánh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, nhận xét trong phố cổ ngày xưa có người cổ nhưng giờ thì người già, người bản địa ngày càng ít. Di sản ký ức là không thể thiếu những ông già, bà già, những người dân địa phương sống chậm trong không gian, di sản đó.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nhận định: "Hội An bây giờ đã "đông vui hơn" và không còn sự tĩnh lặng như trước. Đó cũng chính là dự báo của sự bất lợi. Cần phải giữ không gian kiến trúc, nâng cao nhận thức của cộng đồng, du khách… và phải có cách làm cụ thể để vừa bảo tồn vừa phát triển di sản".
GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia, cũng cho rằng hơn 70% thương gia ở Hội An là từ nơi khác đến nên giờ đã đến lúc chính quyền địa phương nghĩ cách để gia tăng sự tham gia của người dân bản địa vào sự phát triển, đồng thời để bảo vệ di sản.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhận xét: Quảng Nam, Hội An của bây giờ đã khác với cách đây 20 năm trước. "Cần phải tăng tốc hơn nữa phần gắn liền với cộng đồng địa phương trong bối cảnh xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững" - ông Michael Croft đề nghị.
Hội An nên đẩy mạnh du lịch cộng đồng
GS Robyn Bushell - ĐH Tây Sydney, Úc - cho rằng ngày càng có nhiều người dân bản địa lựa chọn cách rời khỏi Hội An, các nghề truyền thống như làm mộc, gốm, đúc đồng... đang bị mai một. "Lợi nhuận từ du lịch khiến người dân không còn mặn mà làm nghề. Nét mộc mạc là thứ cuốn hút du khách, không phải là những dịch vụ được phục dựng để đáp ứng nhu cầu tham quan" - GS Robyn Bushell nói. Theo giáo sư này, để phát triển bền vững, tỉnh Quảng Nam nên đẩy mạnh du lịch cộng đồng, mở rộng phạm vi bảo tồn ra ngoài vùng đệm của di sản cũng như khuyến khích người dân sống đúng với hình ảnh chân thực của làng quê.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/