|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển kinh tế vùng miền Trung: 'Ngay bây giờ hoặc không bao giờ'

07:59 | 21/08/2019
Chia sẻ
"Miền Trung phải sốc tới, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ hơn. Chính vì thế phải có tinh thần ngay bây giờ hoặc không bao giờ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.

Ngày 20/8, tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.

Đây là sự kiện mới nhất nằm trong chuỗi các hội nghị phát triển vùng do Thủ tướng chủ trì thời gian vừa qua, gồm hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam, hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

tt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung. Ảnh: VGP.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung (thường được gọi là miền Trung) gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7%.

Thông tin tại hội nghị cho thấy, mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm, có bước phát triển tích cực thời gian qua, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới đạt mức GRDP/người tương đương với mức bình quân GDP/người của cả nước và là "vùng trũng" phát triển so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, nhiều người ví miền Trung như "chiếc đòn gánh" trên vai của con người, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh yếu thì đòn gánh sẽ gãy. Vì vậy, bàn về miền Trung, về phát triển miền Trung không phải là việc riêng của 14 tỉnh thành. 

Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành phải thẳng thắn chỉ ra những nút thắt từ phía bộ ngành mình, các địa phương. Các chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển. Qua đó, xác định những chính sách gì cần được ban hành hay tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho Vùng, gắn kết và cùng chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương và người dân trong Vùng cũng như cả nước.

Thủ tướng cho rằng, động lực tăng trưởng nói chung, trong đó vai trò của công nghiệp còn yếu và thiếu bền vững là nguyên nhân miền Trung chưa phát triển. Một số tỉnh thành đã hình thành được một số dự án lớn mang tính động lực trong khi một số tỉnh vẫn chưa có động lực quan trọng nào.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch vẫn còn chậm, thậm chí nhiều tỉnh vẫn chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành. Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế.

Nhiều tiềm năng "rừng vàng - biển bạc" vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phát triển kinh tế biển nhưng nhiều địa phương vẫn chưa định nghĩa được ngành kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh của địa phương mình.

Các thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung đang dần được hình thành. Thế nhưng còn nhiều thiếu vắng và chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thường đi sau nhu cầu của thị trường (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, chưa kể chất lượng đào tạo cũng thường không đáp ứng được nhu cầu); đa phần người giỏi hay người giàu là người miền Trung thường rời quê ra đi và lập nghiệp ở nơi khác. Do vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động (ngay cả lao động giản đơn) trong những năm tới là rất lớn do di cư và già hóa dân số.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương miền Trung đứng trước đổi mới của đất nước trong 10 - 15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước.

"Miền Trung phải sốc tới, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ hơn. Chính vì thế phải có tinh thần ngay bây giờ hoặc không bao giờ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị, ngay bây giờ các địa phương phải vận dụng chiến lược kinh tế biển toàn miền Trung tập trung vào 5 lĩnh vực kinh tế, đó là: ngư nghiệp (tập trung nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản); du lịch (đặc biệt là du lịch biển đảo); cảng biển và các dịch vụ logistics; phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với nền kinh tế cảng biển và cuối cùng là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng khác).

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải đề xuất giải pháp phát triển giao thông kết nối miền Trung và Tây nguyên. Nghiên cứu về việc phát triển sân bay, cảng biển của miền Trung sao cho hợp lý, trong đó những sân bay lớn cần tính toán các hình thức xã hội hóa đầu tư. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.

Với Bộ Công Thương, Thủ tướng đề nghị cần ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của Vùng là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh/thành phố có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo.

K.Hà (Tổng hợp)

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.